Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, do hiện nay đang có chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong đó có Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hệ thống các đơn vị làm công tác bảo hiểm thất nghiệp thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội..., Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024 cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025 - 2027 với mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 là 1,44%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với việc Chính phủ đề xuất mức trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44% (bằng mức chi phí quản lý năm 2024 là 1,49% trừ đi mức giảm bình quân hằng năm giai đoạn 2022-2024 là 0,05%/năm). Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong quá trình giao dự toán, thực hiện dự toán cần chủ động thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cắt giảm chi phí thường xuyên để tiết kiệm hơn.
Nêu lý do tán thành với việc tiếp tục kéo dài thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, đây là giải pháp tình thế, cấp bách do Chính phủ và các cơ quan có liên quan chuẩn bị Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quá muộn, không đủ thời gian để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến. Hơn nữa, hồ sơ vẫn còn các nội dung chưa đầy đủ, đáp ứng yêu cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long
Việc này cũng giúp bảo đảm việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của các luật liên quan được thực hiện liên tục, thường xuyên không được gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng, không làm ảnh hưởng đến các công tác, nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách...
Về thời gian kéo dài thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong Thường trực Ủy ban Xã hội có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 đến hết ngày 30.6.2025. Loại ý kiến thứ hai thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó, kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024, với mức chi phí tối đa tạm thời là 1,44 % dự toán thu chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 là đến hết ngày 30.6.2025.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, đây là giải pháp tình thế để bảo đảm vận hành công tác quản lý, bảo hiểm xã hội trong điều kiện chưa kịp có nghị quyết mới và đang thực hiện sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết 18.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục khẩn trương chỉ đạo, hoàn thiện báo cáo, đánh giá và sớm có tờ trình dự thảo nghị quyết về chi phí tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2025 – 2027, với mục tiêu phấn đấu có nghị quyết mới trước khi Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1.7.2025.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan rà soát và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của toàn bộ thông tin số liệu, các thuyết minh về tình hình thực hiện giai đoạn 2022 - 2024, cũng như cơ sở đề xuất cho phép tiếp tục kéo dài trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 09.
Tại phiên họp, với 100% số thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024.
Lê Bình