Dáng người nhỏ thó, đôi mắt trong veo nhưng vương nét mệt mỏi, Má Thị Dở - cô bé người Mông ở Trung Chải (thị xã Sa Pa) bước vội qua cổng trường, trên lưng địu theo một đứa trẻ chưa tròn một tuổi. Bên trong lớp học, tiếng giảng bài vang lên, còn ngoài hiên, đứa bé trong tấm địu khẽ cựa quậy, đôi tay nhỏ xíu bấu chặt vào lưng mẹ.
Dở đã trở thành mẹ khi mới 14 tuổi.
Năm lớp 8, khi bạn bè còn đang vui đùa trên sân trường, Dở đã rời xa con chữ, bỏ lại sau lưng những ước mơ dang dở. Khi biết tin Dở lấy chồng, thầy cô, bạn bè đều ngỡ ngàng.
Làm vợ, làm mẹ ở tuổi 14. Những đêm dài ru con khóc, những bữa cơm vội vã, những ngày loay hoay với bỉm, sữa khiến Dở dần nhận ra mình cần một tương lai khác.
Hiểu được tâm tư của em, thầy cô và các bạn đã đến nhà trò chuyện, phân tích cho bố mẹ và chồng của Dở hiểu rằng con đường học vấn có thể thay đổi cuộc đời em và cả đứa con nhỏ sau này.
Ngày đầu đi học lại, Dở còn e dè. Nhưng rồi, thầy cô đã động viên, an ủi, giúp Dở mạnh dạn hơn, cầm sách bút mà lòng đầy quyết tâm.
Giáo viên động viên, hỗ trợ để Dở yên tâm quay trở lại trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Trường PTDT bán trú THCS Trung Chải, thị xã Sa Pa (chủ nhiệm lớp của Dở) kể: Có những ngày, chồng đi làm xa, bố mẹ lên nương không có ai trông con, Dở địu bé theo đến lớp, thầy cô lại thay phiên nhau bế giúp. Hay những hôm con ở nhà khát sữa, thầy cô lại tạo điều kiện để Dở được về sớm hơn. Không chỉ vậy, thầy cô còn vận động quyên góp quần áo, bánh, sữa để hỗ trợ, động viên, giúp đỡ em. Dở không chỉ trở lại trường mà còn chăm chỉ hơn trước. Em tâm sự muốn học xong lớp 9 rồi đi học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và con.
“Em muốn học, muốn có nghề, muốn con em sau này không phải khổ như mình” – Dở nói, đôi mắt ánh lên quyết tâm.
Trường lớp - nơi viết tiếp ước mơ
Em Giàng Thị Dâu, học sinh lớp 8, Trường PTDT bán trú THCS Trung Chải, thị xã Sa Pa cũng từng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì tảo hôn. Dâu kể, trong một ngày hội xuân, Dâu gặp và quen một chàng trai. Những lời hẹn ước ngọt ngào của tuổi mới lớn khiến em nhanh chóng nghĩ đến chuyện làm đám cưới, bất chấp tuổi đời còn quá trẻ.
Dâu được thầy cô, bạn bè tuyên truyền không nên tảo hôn.
Nhưng khi ý định ấy vừa được thổ lộ, thầy cô giáo của trường và chính quyền địa phương đã kịp thời vào cuộc. Những buổi trò chuyện kiên nhẫn diễn ra ngay tại nhà, những giờ sinh hoạt tập thể với những câu chuyện về hệ lụy của tảo hôn đã dần khiến Dâu nhận ra lựa chọn ấy có thể khiến tương lai mình thay đổi.
Trở lại lớp học, Dâu vẫn mang theo nhiều e ngại. Nhưng giống như Dở, em nhận được sự yêu thương và động viên rất lớn từ thầy cô, bạn bè. Không ai nhắc lại chuyện cũ, chỉ có những ánh mắt sẻ chia và những vòng tay sẵn sàng giúp đỡ. Từng ngày, Dâu dần lấy lại sự tự tin và tiếp tục hành trình tìm con chữ, với ước mơ thay đổi cuộc đời mình.
“Thầy cô bảo rằng, nếu em lấy chồng sớm, em sẽ phải nghỉ học, sẽ không có nghề nghiệp ổn định và cuộc sống sau này sẽ rất vất vả. Em nghĩ nhiều lắm và cuối cùng quyết định sẽ không bỏ học nữa” - Dâu chia sẻ.
Tảo hôn ở vùng cao không phải câu chuyện mới. Riêng tại Trường PTDT bán trú THCS Trung Chải, thị xã Sa Pa, năm học trước có gần 10 em tảo hôn và hiện tại đã quay lại học tại trường.
Thầy giáo Lê Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trung Chải cho biết: Mới chỉ lớp 6, lớp 7 nhưng nhiều em đã mang trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, làm chồng, mang trên vai gánh nặng là lao động chính. Vì thế, trong những giờ sinh hoạt tập thể hay họp phụ huynh, chúng tôi luôn tích cực tuyên truyền để học sinh và phụ huynh hiểu hơn về Luật Hôn nhân gia đình, hệ lụy của tảo hôn và quyền lợi của trẻ em.
Sau nhiều nỗ lực, nạn tảo hôn trong nhà trường đã dần được đẩy lùi. Với những học sinh tảo hôn, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương vận động các em quay trở lại lớp học. Thầy cô không chỉ đến từng nhà để thuyết phục phụ huynh, mà còn tổ chức các buổi tư vấn, trò chuyện để giúp các em vượt qua mặc cảm, xóa bỏ rào cản tâm lý. Những câu chuyện về ước mơ, về tương lai được thầy cô chia sẻ, tiếp thêm động lực để các em trở lại trường.
Dâu đã quyết định quay trở lại lớp học.
Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm nay, toàn thị xã Sa Pa chỉ ghi nhận 3 trường hợp học sinh tảo hôn (giảm 4 trường hợp so với năm trước), 2 trong số 3 học sinh ấy đã được chính quyền địa phương và các trường học vận động thành công để quay lại lớp. Ngoài ra, tổ tư vấn tâm lý của các trường thường xuyên theo sát, động viên để các em yên tâm học tập, không còn e ngại hay xấu hổ – ông Chinh chia sẻ.
Học sinh tảo hôn hoặc có ý định nghỉ học giữa chừng đã được tuyên truyền, vận động quay trở lại trường học.
Tảo hôn không phải câu chuyện mới, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề này không thể chỉ trong một sớm một chiều và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò quan trọng nhất vẫn là chính người dân. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ngành Giáo dục thị xã Sa Pa bằng nhiều cách khác nhau, quyết tâm đưa nhiều nhất những học sinh đã tảo hôn quay trở lại trường học tập, để tương lai của các em sẽ có được nền móng vững chắc hơn.
Thanh Huệ
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/keo-hoc-sinh-tao-hon-tro-lai-truong-hoc-post397834.html