Ngành Y tế khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế, tiến tới ổn định dân số ở mức hợp lý. Ảnh: THÁI HÀ
Kết hôn muộn có xu hướng tăng
Ở nước ta, tình trạng kết hôn muộn có xu hướng tăng liên tục. Theo số liệu ghi nhận từ Cục Thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019-2023. Cụ thể, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2019 là 27,5 tuổi; năm 2020 là 28 tuổi; năm 2021 là 29 tuổi và năm 2022 là 29,8 tuổi (bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi).
Trung du và miền núi phía Bắc kết hôn sớm hơn, như Hà Giang 22,8 tuổi, Cao Bằng 24 tuổi, Bắc Kạn 24,7 tuổi; Tuyên Quang 24,9 tuổi; Thái Nguyên 25,8 tuổi; Lạng Sơn 25,6 tuổi...
Khu vực Đông Nam Bộ, ngoài TP Hồ Chí Minh kết hôn muộn còn có Bà Rịa - Vũng Tàu 28,8 tuổi (trong khi năm 2019 là 26,3 tuổi); Đồng Nai 28,5 tuổi (2019 là 26 tuổi).
Tại đồng bằng sông Cửu Long, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở Cần Thơ 29,3 tuổi; Bạc Liêu 28,2 tuổi, trong khi năm 2019 lần lượt là 26,9 tuổi và 25,3 tuổi.
Lý giải nguyên nhân giới trẻ kết hôn muộn, theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, khoa Nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có nhiều ý kiến về việc này, nhưng có những yếu tố như: Áp lực công việc và sự nghiệp, giới trẻ ngày nay dành phần lớn thời gian và năng lượng để đạt được thành công trong sự nghiệp. Họ cho rằng hôn nhân sẽ hạn chế tự do và làm chậm tiến trình phát triển bản thân. Cùng với đó, nhiều người e ngại rằng hôn nhân đòi hỏi một nền tảng tài chính vững chắc, từ đó họ trì hoãn quyết định này để đạt được sự ổn định kinh tế.
Hệ lụy về sức khỏe sinh sản
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), việc kết hôn muộn, dù mang lại một số lợi ích như thời gian tập trung cho sự nghiệp, sự ổn định tài chính hoặc chọn bạn đời phù hợp, vẫn kéo theo những hệ quả đáng lo ngại, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Khả năng sinh sản không duy trì ổn định theo thời gian, mà giảm dần khi tuổi tác tăng, giảm khả năng thụ thai, nhất là ở phụ nữ.
Cả nam và nữ nên chủ động thăm khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân nếu có dự định lập gia đình. Ảnh: THÁI HÀ
Ở nữ giới, sau tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng suy giảm nhanh chóng, làm giảm tỉ lệ thụ thai tự nhiên. Ngoài ra, nguy cơ sẩy thai cũng tăng lên do sự suy giảm chất lượng tế bào trứng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ trong độ tuổi từ 35-40 có nguy cơ sẩy thai cao gấp đôi so với những phụ nữ dưới 30 tuổi.
Ở nam giới, mặc dù tinh trùng được sản xuất liên tục, nhưng chất lượng tinh trùng cũng giảm dần theo độ tuổi. Độ di động của tinh trùng giảm, đồng thời tỉ lệ tinh trùng bất thường về hình dạng và cấu trúc tăng lên. Những yếu tố này khiến khả năng thụ thai tự nhiên giảm đáng kể, đặc biệt khi người vợ cũng lớn tuổi.
Kết hôn muộn cũng đồng nghĩa với việc sinh con muộn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ sinh sản, nguy cơ vô sinh cao.
Ở phụ nữ, các bệnh lý phổ biến bao gồm lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang và u xơ tử cung. Những tình trạng này không chỉ làm giảm khả năng thụ thai mà còn gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Ở nam giới, đàn ông kết hôn và sinh con muộn có thể đối mặt với các vấn đề như suy giảm nồng độ hormone testosterone, giãn tĩnh mạch tinh, hoặc viêm nhiễm đường sinh dục, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản và sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ vô sinh ở các cặp đôi kết hôn muộn cao gấp 2-3 lần so với các cặp đôi kết hôn sớm hơn. Điều này đặc biệt rõ rệt ở các cặp đôi trên 35 tuổi.
Ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con
Không chỉ ảnh hưởng đến việc thụ thai, kết hôn muộn và sinh con muộn còn đặt sức khỏe của cả mẹ và con vào những nguy cơ nghiêm trọng.
Đối với người mẹ, tuổi cao khiến cơ thể người mẹ khó thích nghi với những thay đổi trong thai kỳ. Các biến chứng thường gặp bao gồm tăng huyết áp, tiền sản giật, và nguy cơ phải sinh mổ cao hơn.
Với em bé, trẻ sinh ra từ những cha mẹ lớn tuổi có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh hoặc các bệnh lý di truyền như hội chứng down. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị sinh non hoặc thiếu cân, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài trong tương lai.
Thời gian qua, Trung tâm Y tế TX Đông Hòa tổ chức tuyên truyền có hiệu quả, đồng bộ về dân số ở cơ sở, góp phần giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KT-XH. Theo ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX Đông Hòa, trung tâm phối hợp với các địa phương tuyên truyền nam nữ kết hôn dưới 30 tuổi, thực hiện gia đình sinh đủ 2 con, khỏe mạnh, tiến tới ổn định dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no hạnh phúc; tiếp tục nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, nhất là việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo Sở Y tế, năm 2023, ước tính tổng tỉ suất sinh của tỉnh ở mức 2,07 con, tuy nhiên giữa các vùng, miền, mức sinh không đồng đều. Mức sinh có xu hướng giảm ở các vùng thành thị, nếu mức sinh giảm sâu sẽ dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững về dân số, xã hội của tỉnh.
Năm 2024, số phụ nữ tham gia sàng lọc trước sinh 8.522 người trên tổng số 11.526 bà mẹ mang thai trong năm, đạt tỉ lệ 73,94%; trong đó, 8.522 người sàng lọc trước sinh bằng siêu âm, 1.044 người sàng lọc huyết thanh. Trong sàng lọc trước sinh, phát hiện 4 trường hợp hội chứng down. Đối với sàng lọc sơ sinh năm 2024, 1.338 trẻ được sàng lọc trên tổng số trẻ sinh ra sống trong năm là 10.201 trẻ, đạt 13,12%, trong đó xác định 49 trường hợp mắc bệnh, 1 trường hợp suy giáp bẩm sinh, 29 trường hợp thiếu men G6PD, 19 trường hợp mắc bệnh khác.
Ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Ngành Y tế đã tổ chức tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển KT-XH; nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực.
MẠNH LÊ TRÂM