Qua tìm hiểu, mẻ chính là phần nước được thu được từ việc nuôi con mẻ. Các gia đình xưa thường cho con mẻ vào một lọ thủy tinh lớn, thêm nước để nuôi và thu hoạch nước mẻ. Nước mẻ có vị chua đặc trưng, khác với dấm, chanh, lá giang… nên khi nấu lẩu mẻ sẽ tạo nên hương vị độc đáo.
Khác với nhiều loại thịt nhúng trực tiếp vào lẩu, thịt ếch cần được sơ chế sạch và xào săn trước. Lúc này, các gia vị sẽ thấm đều vào thịt, giúp món lẩu đậm đà hơn khi chế biến.
Như mọi món lẩu khác, nước dùng lẩu ếch nấu mẻ cũng ảnh hưởng nhiều đến độ ngon tổng thể. Theo đó, nền nước dùng thường được chọn từ nước dừa, kết hợp với sả, hạt nêm, đường, nước mắm và không thể thiếu mẻ để tạo nên vị chua nhẹ nhưng thanh tao.
Vì đây là món ăn dân dã, rau nhúng lẩu cũng rất quen thuộc như rau muống, rau mồng tơi, cải ngọt, cải bẹ xanh… Một số loại sợi như mì gói, phở, bánh canh, hủ tiếu cũng được dùng, giúp bữa ăn thêm no bụng.
Hiện nay, một số quán lẩu sử dụng nồi lẩu cù lao (ở giữa có khoảng hở để đặt than, nhiệt tỏa đều giúp lẩu luôn sôi) nhằm mang lại hương vị gần gũi, gợi ký ức xưa cho thực khách. Sau bữa ăn, mọi người thường chọn những loại thức uống dân dã như nước chanh, nước cam, nước tắc để tráng miệng, phần nào giúp khử mùi thức ăn.
Theo amthucvungmien, monandanda, shopeefood
Gia Hân