Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo
2 giờ trướcBài gốc
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo - Ảnh: Hồ Long
Tại Phiên họp thứ 38, vào ngày 8-10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận số 990 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo. Ghi nhận và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực phối hợp với cơ quan thẩm tra, nghiêm túc tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ dự án luật theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 37.
Hồ sơ dự luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) của thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và ý kiến tham gia thẩm tra của thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Trong đó lưu ý một số nội dung, cụ thể vì nội dung dự Luật Nhà giáo thay đổi căn bản so với dự Luật Nhà giáo trình lần đầu.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hoàn thiện hồ sơ dự luật, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn kèm theo và xây dựng tờ trình mới của Chính phủ về dự Luật Nhà giáo trình Quốc hội trước ngày 18-10 để thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, kết luận đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xử lý những xung đột pháp lý, bảo đảm tính kế thừa, thống nhất, đồng bộ, liên thông, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm.
Lưu ý đến tính chất đặc thù của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.
Dự luật cần bảo đảm nguyên tắc không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Đối với những chính sách mới, có tính đặc thù, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định rõ đối tượng áp dụng, bảo đảm phù hợp, khả thi. Các quy định, chính sách cần ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà giáo.
Về các chính sách đối với nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá; bảo đảm các khung chính sách của nhà nước về nhà giáo được cụ thể hóa đầy đủ.
Đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của những chính sách mới, nhất là việc bảo đảm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện.
Rà soát các chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo bảo đảm tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật và có những cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút nhà giáo.
Chính sách tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức dự luật, trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Văn Duẩn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/ket-luan-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ve-du-an-luat-nha-giao-196241013131837464.htm