Kết nối cầu Nhơn Trạch với dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2025

Kết nối cầu Nhơn Trạch với dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2025
8 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, công trường kết nối của dự án thành phần 1 - Vành đai 3 tại phạm vi nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vẫn còn ngổn ngang, khó hoàn thành sớm để kết nối đồng bộ khi cầu Nhơn Trạch đi vào khai thác
Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có tổng chiều dài 8,22 km (qua Đồng Nai 6,3 km và qua Tp. Hồ Chí Minh dài 1,92 km), tổng mức đầu tư khoảng 6.955 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư. Dù thuộc tuyến Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh nhưng dự án thành phần 1A không thuộc các dự án thành phần Vành đai 3 mà các địa phương TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang triển khai.
Tính đến 30/6, lũy kế sản lượng dự án thành phần 1A đạt khoảng 97% tổng giá trị các hợp đồng xây lắp, cơ bản hoàn thành công tác thi công. Gói thầu CW1 (xây dựng cầu Nhơn Trạch và một phần đường hai đầu cầu) sản lượng lũy kế đạt 99,24%; trong khi gói thầu CW2 (xây dựng đường dẫn hai phía tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh) đạt 93,8%.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, chủ đầu tư và nhà thầu dự kiến hoàn thành toàn bộ hạng mục công trình trước ngày 31/7, đủ điều kiện đưa vào khai thác ngày 19/8. Hiện tại, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang phối hợp với các chủ đầu tư dự án khác của Vành đai 3 để đưa dự án vào khai thác vào dịp Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Tuy nhiên, dự án thành phần 1 thuộc dự án xây dựng Vành đai 3 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ, khó hoàn thành đồng bộ theo kế hoạch. Trong khi phần đấu nối đường dẫn cầu Nhơn Trạch với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã cơ bản xong, phần đấu nối Vành đai 3 với cao tốc vẫn còn gặp khó. Thời gian qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ một số hạng mục gói thầu XL1 của dự án thành phần 1 Vành đai 3. Theo kế hoạch, ngày 30/6 vừa qua, đoạn nối giữa Vành đai 3 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ hoàn thiện, tuy nhiên chủ đầu tư đã lùi tiến độ. Ban Giao thông cho biết, với mục tiêu thông xe một số hạng mục của gói thầu XL1 (cầu nhánh A; đường nhánh D, E và một đoạn tuyến chính cao tốc) tại nút giao cao tốc để kết nối với cầu Nhơn Trạch, thời gian qua Ban Giao thông và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục liên quan. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, trên cơ sở chỉ đạo của UBND Thành phố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã tăng cường nhân lực, vật lực. Riêng phạm vi nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nhà thầu đã huy động 9 mũi thi công với gần 30 thiết bị thi công. Đến nay phần cầu vượt kết nối (cầu nhánh A) đã hoàn thành 100% bê tông. "Riêng phần đường, do điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt mùa mưa đến sớm, kèm mưa giông kéo dài từ giữa tháng 5/2025 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến công tác thi công nền, mặt đường để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của dự án", ông Phúc lý giải, đồng thời cho biết các hạng mục phụ trợ như đường công vụ, bến tạm thường xuyên phải duy tu, bảo dưỡng cũng ảnh hưởng đến công tác tập kết vật liệu. Lãnh đạo Ban Giao thông cho biết, hiện đang đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục trên của gói thầu XL1 để kết nối, thông xe với cầu Nhơn Trạch cuối tháng 9/2025. Một số hạng mục khác (cầu nhánh B, cầu nhánh C) phục vụ kết nối hoàn chỉnh cho nút giao cao tốc và cầu Nhơn Trạch cũng được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, thông xe cuối năm 2025. Hiện toàn dự án Vành đai 3 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 45% sản lượng các gói thầu xây lắp. Chủ đầu tư đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 phấn đấu đạt trên 70% để đảm bảo thông xe 14,7km phần cao tốc cầu cạn trên địa bàn thành phố Thủ Đức (cũ) và thông xe kỹ thuật 32,6 km phần cao tốc trên địa bàn các huyện trước đây là Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Vướng mắc lớn của dự án là nguồn vật liệu đã cơ bản được giải quyết. Trong đó, nguồn cát đắp nền đã được các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre trước đây cấp phép 16 mỏ và thực hiện nâng công suất, đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án. Hiện nay, các nhà thầu đang huy động cát, đá theo tiến độ thi công. Theo ông Lương Minh Phúc, từ khi có "luồng xanh" để vận chuyển vật liệu, việc vận chuyển cát từ các tỉnh miền Tây về công trường dự án Vành đai 3 đã thuận lợi hơn; thời gian di chuyển được rút ngắn do có sự hỗ trợ, phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra phương tiện vận tải đường thủy. Nhờ đó, các gói thầu phía Tây đang tăng tốc thi công các hạng mục cầu, hầm chui; thi công các hạng mục xử lý đất yếu nền đường trên toàn tuyến. "Ban Giao thông đã yêu cầu nhà thầu thi công áp dụng các giải pháp điều chỉnh xử lý đất yếu để rút ngắn thời gian xử lý và tăng cường huy động vật liệu cát đắp nền, đá để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật vào 31/12", ông Lương Minh Phúc cho biết. Dự án Vành đai 3 có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, chiều dài 76,4 km đi qua TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Với đoạn qua TP. Hồ Chí Minh, tuyến có tổng chiều dài 47,3 km, tổng mức đầu tư 41.317 tỷ đồng (xây dựng 22.411 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 18.906 tỷ đồng).
Tiến Lực/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/ket-noi-cau-nhon-trach-voi-du-an-vanh-dai-3-tp-ho-chi-minh-vao-thang-9-2025/379377.html