Kết nối không gian, khơi thông 'mạch dẫn' phát triển du lịch

Kết nối không gian, khơi thông 'mạch dẫn' phát triển du lịch
16 giờ trướcBài gốc
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cả nước đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước; 77,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,5%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 518.000 tỷ đồng, tương đương 52,8% kế hoạch cả năm. Nhiều địa phương ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng cả về lượng khách và doanh thu, tiêu biểu như TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Thanh Hóa, góp phần khẳng định vị thế du lịch là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2025.
Một số địa phương đã chủ động liên kết vùng, phối hợp với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TPHCM để xây dựng sản phẩm đặc trưng, mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm chủ đạo. Trong dịp lễ 30-4 và 1-5, các sản phẩm gắn với tình yêu nước được đón nhận tích cực, như tour Củ Chi lấy cảm hứng từ phim Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối, hay các chương trình Từ Mậu Thân đến mùa xuân đại thắng, Huyền thoại về những anh hùng đặc công Rừng Sác, Hành trình ký ức và 50 năm - Trở lại miền Nam yêu dấu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng chỉ rõ nhiều thách thức cần giải quyết trong 6 tháng cuối năm, như: sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực, giá vé máy bay tăng, hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa đều và sản phẩm du lịch thiếu chiều sâu. "Chúng ta cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường, tập trung xúc tiến hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, đẩy mạnh liên kết vùng, và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ chân du khách...”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Xây dựng sản phẩm đặc trưng - khơi mạch cảm xúc
Định hướng phát triển ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Đây là thời điểm chúng ta cần nhìn lại một cách thực chất những kết quả đã đạt được, để từ đó có thể đề xuất các giải pháp tốt, đưa ngành du lịch thực sự trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sau khi hợp nhất hệ thống quản lý, nhiều địa phương thiếu sở chuyên ngành, đội ngũ lãnh đạo còn mới, do đó cần sự chủ động, quyết liệt hơn để hoàn thành mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra yêu cầu cấp thiết là phải thay đổi cách tiếp cận: “Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được, nhưng cần tiếp cận ngành du lịch từ một góc nhìn mới - góc nhìn văn hóa”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch chỉ tạo được giá trị thực sự khi gắn với bản sắc từng vùng, từng sản phẩm, có chiều sâu và dấu ấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị phát triển các tuyến liên kết không gian, tiêu biểu như kết nối Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, giữa “vị mặn của biển” và “gió đại ngàn Tây Nguyên”, điển hình là Gia Lai - Bình Định… Những sản phẩm như vậy sẽ giúp du lịch không chỉ dừng lại ở hình thức, mà chạm tới cảm xúc và trải nghiệm thực sự của du khách. “Phải làm sao để du khách nhớ về Việt Nam không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, mà còn bởi cảm xúc sâu lắng mà hành trình mang lại”, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Khách du lịch đến Việt Nam từ Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là hai thị trường dẫn đầu, lần lượt đạt hơn 2,7 triệu và 2,2 triệu lượt. Một số thị trường châu Á có mức tăng trưởng ấn tượng như: Ấn Độ (tăng 141%), Philippines (tăng 205%), Lào (tăng 135,8%)… Du khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không, chiếm hơn 85% tổng lượng khách.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch của thời đại mới không chỉ đi bằng đôi chân, mà còn phải đi bằng công nghệ. Phải làm sao để du khách có thể ngồi một chỗ mà vẫn có thể khám phá cả đất nước, từ thực tế đến ảo, từ cổ truyền đến hiện đại... Ngành du lịch cần những người dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong. Đây là lúc phải mạnh dạn đề xuất, tìm cho ra những sản phẩm đặc trưng, những "mạch dẫn" mới cho toàn ngành.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng đồng tình với định hướng này. Ông cho rằng cần kết hợp hiệu quả giữa xúc tiến truyền thống và hiện đại. Các địa phương trước khi liên kết vùng cần rà soát lại sản phẩm hiện có, xác định rõ thế mạnh và điểm yếu, để biết “mình thiếu gì, đủ gì” rồi mới đưa ra chiến lược hợp tác phù hợp, tránh trùng lặp, dàn trải.
Đại diện các địa phương cũng đã đề xuất thêm nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch đi vào chiều sâu, bền vững, thương hiệu; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu...
Với định hướng rõ ràng, cách tiếp cận mới và quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, du lịch Việt Nam đang từng bước “vẽ lại bản đồ”, mở ra những “mạch dẫn” mới để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự, truyền cảm hứng, bền vững và hội nhập sâu rộng trong thời kỳ mới.
MAI AN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/ket-noi-khong-gian-khoi-thong-mach-dan-phat-trien-du-lich-post803154.html