Tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đây là một trong những tuyến đường sắt đô thị được định hướng sớm nhất của Thủ đô nhưng nhiều năm qua do không ít vướng mắc nên chưa triển khai được.
Hiện TP.Hà Nội mới chỉ đưa vào khai thác được 2 tuyến đường sắt đô thị. Ảnh: TL.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị này sẽ được khởi động trong năm 2024 - 2025, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2034; đoạn tuyến 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài đưa vào khai thác sử dụng năm 2030.
Trước mắt Hà Nội đang triển khai tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn 2.1. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn 2.1 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia của TP Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được UBND Thành phố phê duyệt chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km; đoạn trên cao dài khoảng 2,6km và đoạn ngầm dài khoảng 8,9km.
Khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). Điểm đầu tuyến tại Khu đô thị Nam Thăng Long.
Cùng với đó TP Hà Nội cũng đã quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 6: Ngọc Hồi - Nội Bài với chiều dài 43km, dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Đây cũng sẽ là tuyến đường sắt đô thị chính kết nối cảng hàng không quốc tế Nội bài với sân bay thứ 2, khu vực đô thị phía Nam thành phố.
Với hai tuyến đường sắt đô thị số 2 và 6, sân bay Nội Bài sẽ được liên kết chặt chẽ với toàn mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là đầu mối giao thông lớn kết nối Hà Nội với cả nước và quốc tế. Nhưng hiện sân bay này chưa được kết nối tốt với đô thị trung tâm cũng như nhiều vùng trong khu vực Thủ đô.
Mỗi năm cảng hàng không quốc tế Nội Bài phục vụ khoảng 30 triệu lượt hành khách; dự báo đến năm 2030 sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm.
Phương tiện kết nối sân bay với các khu vực của Thủ đô vẫn chủ yếu là xe cá nhân, taxi, xe khách và 2 tuyến xe buýt. Mỗi dịp lễ, Tết nguy cơ ùn tắc từ ngay trong sân bay luôn hiện hữu.
P.V