Đa dạng tài nguyên du lịch
An Giang nổi bật với thế mạnh về du lịch tâm linh và sinh thái rừng núi. Vùng đất này hội tụ nhiều giá trị văn hóa – tín ngưỡng độc đáo, thể hiện qua các công trình như miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, chùa Hang, chùa Tây An và núi Cấm – nơi được mệnh danh là “nóc nhà miền Tây”.
Hằng năm, vào mùa lễ hội Vía Bà (tháng 4 âm lịch), các điểm hành hương tại An Giang đón hàng triệu lượt du khách. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái tại địa phương cũng phát triển với những điểm nhấn như rừng tràm Trà Sư, đồng lúa Thoại Sơn, hồ Ô Tà Sóc và hồ Tà Pạ... thu hút du khách yêu thích trải nghiệm và khám phá.
Một góc khu du lịch núi Cấm - điểm đến hút khách ở An Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Việt Anh
Trong khi đó, Kiên Giang được biết đến như điểm sáng của du lịch biển đảo và sinh thái ven biển. Với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, địa phương này sở hữu nhiều thắng cảnh nổi tiếng, trong đó nổi bật là đảo ngọc Phú Quốc – trung tâm du lịch biển đảo đẳng cấp quốc tế, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Hà Tiên, Rạch Giá, Hòn Sơn, Nam Du cùng với các khu sinh thái ngập nước như U Minh Thượng và Hòn Đất cũng là những địa danh hấp dẫn, nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng.
Liên kết vùng – “chìa khóa” mở ra những hành trình trải nghiệm mới
Trước những tiềm năng hiện có, các chuyên gia du lịch cho rằng việc tái cấu trúc sản phẩm theo hướng tích hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái và biển đảo, đồng thời thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết vùng giữa An Giang và Kiên Giang, là điều tất yếu.
Một số tuyến du lịch liên tỉnh đang được đề xuất phát triển, như tuyến Châu Đốc – Núi Sam – Núi Cấm – Trà Sư – Hà Tiên – Nam Du; tuyến Long Xuyên – Thoại Sơn – hồ Tà Pạ – Hà Tiên – Phú Quốc; hay tuyến đường thủy Châu Đốc – Hà Tiên bằng tàu cao tốc, tiếp tục kết nối ra đảo.
Cùng với việc xây dựng các tuyến liên kết, các địa phương cũng cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm từ ba đến bốn ngày, kết hợp các loại hình tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng biển đảo. Các doanh nghiệp lữ hành được khuyến khích thiết kế các tour theo chủ đề riêng biệt như “Từ núi thiêng đến biển ngọc” hay “Hành trình xanh phương Nam”... mang lại giá trị mới cho du khách.
Hòn Hai Bờ Đập là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kích Nam Du.
Hệ thống lưu trú tại địa phương cũng cần được đầu tư phát triển theo hướng sinh thái, gắn với cộng đồng, điển hình như mô hình homestay, farmstay tại Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) và U Minh Thượng, Hòn Đất (Kiên Giang).
Ở góc độ quốc tế, việc mở rộng liên kết với các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN, sẽ giúp du lịch An Giang và Kiên Giang “vươn xa” hơn. Một số sáng kiến cụ thể đang được xem xét như mở rộng hợp tác du lịch với Campuchia qua các cửa khẩu Tịnh Biên – Phnom Penh và Hà Tiên – Kep; phối hợp xây dựng tour đường thủy từ Phnom Penh đến Châu Đốc – Hà Tiên – Phú Quốc; hay kết nối đường bay từ Phú Quốc đến Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore nhằm khai thác hiệu quả dòng khách quốc tế.
Tất cả những hoạt động này cần được gắn kết với chiến lược truyền thông và quảng bá vùng liên kết trên các nền tảng số.
Việc kết nối và phát triển du lịch giữa An Giang và Kiên Giang, dựa trên trục chủ đạo là tâm linh – sinh thái – biển đảo, được xem là bước đi chiến lược, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn diện cho vùng Tây Nam Bộ.
Sự kết hợp hài hòa giữa chiều sâu văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên sẽ mang đến những trải nghiệm du lịch khác biệt, góp phần nâng cao vị thế của khu vực trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang
Đăng Huy