Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
4 giờ trướcBài gốc
Khơi thông năng lượng sáng tạo
“Hanoi Art Connecting đã đi một lộ trình chưa phải là dài nhưng đã mở rộng không gian để đón nhận các nghệ sĩ quốc tế có mặt tại Việt Nam”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định như vậy về workshop và triển lãm nghệ thuật quốc tế Hanoi Art Connecting lần thứ 7, vừa diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (từ 29.10 - 3.11). Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, qua sự kiện này, chúng ta thấy mỹ thuật Việt Nam không còn là một “ốc đảo” nữa mà đã mở cánh cửa rộng dài để chào đón các nghệ sĩ quốc tế. Hanoi Art Connecting đang kể câu chuyện ấn tượng trên con đường kết nối của mỹ thuật Việt Nam với thế giới.
Câu chuyện của Hanoi Art Connecting bắt đầu từ năm 2016, họa sĩ Trịnh Tuân - đồng sáng lập nhóm nghệ sĩ quốc tế Asia Art Link, nhận được lời đề nghị của ông Hoàng Khắc Biên - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp lúc đó, tổ chức triển lãm giao lưu có sự tham gia của giảng viên, sinh viên các nước Đông Nam Á. Sự kiện đầu tiên dưới tên gọi Hanoi March Connecting đã diễn ra thành công với các nghệ sĩ đến từ 5 quốc gia trong khối ASEAN và Pháp, tạo nên môi trường va đập tích cực cho công việc đào tạo của nhà trường, khởi đầu hành trình kết nối, mở rộng biên giới sáng tạo của đông đảo nghệ sĩ. Sau hai năm hoạt động, số lượng quốc gia và nghệ sĩ đã tăng lên đáng kể.
Kết nối không chỉ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển nền mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Hanoi Art Connecting
Từ năm 2018, sự kiện được đổi tên thành Hanoi Art Connecting, gồm chuỗi hoạt động sáng tác thuộc các lĩnh vực hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt... và triển lãm nghệ thuật quốc tế với mục đích giao lưu, kết nối giữa nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ quốc tế và công chúng yêu nghệ thuật. Các đơn vị đồng hành sự kiện cũng theo đó ngày càng mở rộng với sự tham gia của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), Hội Mỹ thuật Việt Nam... Đặc biệt, những năm đầu, Hội Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị hỗ trợ chính về thủ tục pháp lý cần có cho một hoạt động quốc tế, như một minh chứng cho sự công nhận và ủng hộ những ảnh hưởng tích cực đến đời sống mỹ thuật Việt Nam mà Hanoi Art Connecting đang làm.
“Ngay năm 2018, Hanoi Art Connecting đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 10 sự kiện quốc gia về mỹ thuật và triển lãm. Như tên gọi của sự kiện, những người làm tổ chức mong muốn qua sự kiện các nghệ sĩ có sự kết nối trong thực hành nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân, hiệp hội ngành nghề liên kết trong các dự án duy trì và phát triển của họ. Sự kết nối này không chỉ trong phạm vi quốc gia.
Cũng thông qua Hanoi Art Connecting, chúng tôi đã kết nối và phát hiện nhiều nghệ sĩ tài năng sống ở những thành phố, tỉnh không phải là trung tâm văn hóa nghệ thuật. Họ tâm sự nếu như không có Hanoi Art Connecting thì chắc không bao giờ họ có cơ hội tham gia các hoạt động nghệ thuật quốc tế”, nghệ sĩ Trịnh Tuân cho biết.
Kết nối và đồng hành
Nhìn lại chặng đường của Hanoi Art Connecting, cái thu được nhiều nhất chính là kinh nghiệm tổ chức một sự kiện mỹ thuật mang tính quốc tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh mấy năm về trước, vấn đề này không đơn giản khi sự kết nối, giao lưu giữa nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam chưa nhiều, nghệ sĩ trong nước mặc dù có lộ trình ra thế giới nhưng đó vẫn là con đường cá nhân; các tổ chức nghề nghiệp chưa duy trì được mối quan hệ lâu dài và thường xuyên với các nền mỹ thuật trong khu vực và thế giới…
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định: “Nghệ sĩ đang quyết định cho số phận nghệ thuật của mình. Họ đang tự thay đổi và chính điều này cũng làm cho khung cảnh chung phải thay đổi theo”.
Theo các chuyên gia, góp phần vào sự chuyển dịch của “khung cảnh chung” ấy phải kể đến sự ra đời của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2.10.2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật với những quy định cụ thể nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước được thực hiện đồng bộ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia. Kể từ đây, những tổ chức, đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước đã tích cực đóng góp vào đời sống mỹ thuật Việt. Đơn cử Sàn Art ra đời năm 2007, tại thành phố Hồ Chí Minh, xuất phát điểm là một địa điểm tổ chức triển lãm (trong bối cảnh thiếu thốn cơ sở hạ tầng nghệ thuật và sự ủng hộ cho nghệ sĩ địa phương), đến năm 2016 phát triển trở thành một trong những dự án lưu trú quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, Sàn Art nuôi dưỡng cộng đồng nghệ thuật thông qua các dự án triển lãm, tư vấn sưu tập và lưu trú, workshop thử nghiệm… và tận dụng mạng lưới quốc tế rộng lớn để quảng bá cho nghệ sĩ và người làm nghệ thuật ở nước ngoài.
Cùng với đó, nhiều chương trình nghệ thuật lớn trên thế giới cũng tiếp cận, khuấy động đời sống mỹ thuật trong nước. Ví dụ, Dự án Nghiên cứu trao đổi nghề thủ công sơn mài châu Á (ALCERP) phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình trao đổi tại Hà Nội năm 2016. Từ đây, các tác phẩm nghệ thuật sơn mài từ Việt Nam và các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á được trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật sơn mài châu Á, giới thiệu nhiều loại nghệ thuật sơn mài đương đại sử dụng nhiều thiết kế và kỹ thuật khác nhau…, đặt nền móng kết nối, mở rộng mạng lưới và cộng đồng quốc tế về nghệ thuật sơn mài.
Câu chuyện của Hanoi Art Connecting, Sàn Art, ALCERP… và nhiều chương trình, dự án kết nối nghệ thuật khác cho thấy quá trình phát triển, hội nhập của mỹ thuật Việt đang đi đúng hướng. Hiện tại trong nước, các nhà sưu tập mới, các gallery, không gian nghệ thuật cũng mọc lên rất nhiều, đa dạng về hình thức và cách thức tổ chức. Không chỉ tư nhân, mỹ thuật hiện nhận được quan tâm rất lớn từ công chúng và các tổ chức cá nhân, tập đoàn lớn…
Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là bước đệm quan trọng để Việt Nam tiếp tục các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái mỹ thuật cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho các hoạt động mỹ thuật.
Hải Đường
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ket-noi-va-mo-rong-mang-luoi-my-thuat-post396742.html