Kết nối và sẻ chia sự kì diệu của âm thanh, sắc màu

Kết nối và sẻ chia sự kì diệu của âm thanh, sắc màu
16 giờ trướcBài gốc
Chuyên đề cấp thành phố môn Nghệ thuật của Trường THCS Đa Phúc, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng.
Dạy "thứ ngôn ngữ của trái tim"
Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới, trong đó có việc triển khai dạy học môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) trong các trường THPT. Lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy, rất nhiều ý kiến trái chiều, băn khoăn bởi thiếu đội ngũ, cơ sở vật chất; thậm chí nhiều nhà trường không dám triển khai vì chưa thoát khỏi tư duy truyền thống dạy học "gạo".
Tuy nhiên, hiểu một cách toàn diện, đưa môn Nghệ thuật vào giảng dạy trong các trường THPT là một bước tiến đột phá, mở rộng phạm vi giáo dục nghệ thuật tới lứa tuổi học sinh, tạo điều kiện cho các em phát triển năng lực thẩm mỹ và cảm nhận nghệ thuật một cách sâu sắc. Đây cũng là môn học có vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp.
Với chương trình môn Âm nhạc tại trường THPT được thiết kế các nội dung mới như: Hát- Nhạc cụ- Thưởng thức- Nghe và Đọc nhạc... không có lý thuyết âm nhạc tách rời. Điều này giúp giáo viên chủ động trong giảng dạy và khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh. Không chỉ thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, mà dạy học Âm nhạc còn giúp học sinh tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại một cách gần gũi, sinh động.
Thầy Đồng Văn Tám và học trò Ngô Quyền "phiêu" cùng âm thanh trong trẻo của lời ca, tiếng đàn.
Chặng đường 3 năm dạy học môn Nghệ thuật Trường THPT Ngô Quyền (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã để lại dấu ấn riêng. Không chỉ đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho thầy và trò mà môn học góp phần định hướng nghề nghiệp, giúp trò theo đuổi đam mê; phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất.
Theo cô Cao Tố Nga- Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ khi triển môn học, nhà trường tiên phong đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phòng học âm nhạc hiện đại với đầy đủ nhạc cụ như Piano, Violin, Keyboard, dàn trống Jazz, Guitar, Guitar bass...Đây còn là các nhạc cụ phục vụ cho học sinh phát triển khả năng biểu diễn, sáng tạo trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Đặc biệt, Trường THPT Ngô Quyền tự hào là cái nôi của nhiều thế hệ nhạc sĩ nổi tiếng như: thầy giáo Hoàng Quý và các cựu học sinh: Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao....Vì thế, để thắp lên ngọn lửa đam mê nghệ thuật của học sinh, được sự ủng hộ của phụ huynh.
Bài hát Ngày mùa gợi nhớ về hình ảnh người Nhạc sĩ tài hoa Văn Cao.
Ngày 14/11, nhà trường đã tổ chức chuyên đề Âm nhạc cấp thành phố với chủ đề: Dạy học môn Âm nhạc giúp học sinh phát triển phẩm chất năng lực theo Chương trình GDPT 2018 thông qua một số tác phẩm của Nhạc sĩ Văn Cao.
Tiết dạy học của thầy Đồng Văn Tám và thầy Bùi Minh Phương đã kết nối và chia sẻ sự kỳ diệu của âm thanh, sự phong phú của các thể loại và những giá trị sâu sắc mà âm nhạc mang lại đến với các học sinh.
Tiết học vượt khỏi không gian một buổi báo cáo chuyên đề thông thường và là một buổi biểu diễn của những tâm hồn nghệ sĩ, với những nhạc cụ hiện đại, âm thanh trong trẻo, ngân nga. Qua các bài ca, tiếng hát, hoạt cảnh sân khấu của học sinh THPT Ngô Quyền cho thấy Nhạc sĩ Văn Cao sống mãi trong trong trái tim người nghe nhạc. Những tác phẩm bất hủ của ông sẽ trường tồn, bất tử như những khúc khải huyền ca ngân vang… Và cũng là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ thầy và trò Bonnal – Bình Chuẩn – Ngô Quyền.
Giáo dục học trò qua thanh âm trong trẻo
Năm học 2024 - 2025 đánh dấu một chặng đường 4 năm học triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS, theo lộ trình từ lớp 6 đến lớp 9. Dấu mốc đặc biệt này đặt ra cho mỗi nhà trường, mỗi thầy cô nhiệm vụ quan trọng và không kém phần thử thách khi lứa học sinh đầu tiên học trọn vẹn chương trình mới sẽ hoàn thành cấp học THCS và thử sức với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Trong suốt hành trình 4 năm học vừa qua, cũng như các trường THCS trên địa bàn thành phố, Trường THCS Đa Phúc (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) đã vượt qua nhiều khó khăn, quyết tâm triển khai thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018, đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức giảng dạy để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học trò.
Cô Hoàng Thị Thu, giáo viên Âm nhạc và học sinh Trường THCS Đa Phúc trong giờ học Âm nhạc.
Theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Kim Thanh, một trong những điểm mới được nhà trường đầu tư tâm huyết, công sức để triển khai hiệu quả chương trình mới chính là việc dạy học môn Nghệ thuật.
Bởi lẽ, môn học sẽ đáp ứng nhu cầu dạy học và phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh và tạo đà cho việc phân loại, định hướng nghề nghiệp cho các em ở cấp THPT. Hơn thế, Âm nhạc và Mỹ thuật sẽ giúp cho học trò có đời sống tinh thần phong phú, cân bằng cảm xúc, giải tỏa áp lực học tập.
"Triển khai dạy học môn Nghệ thuật, chúng tôi mong muốn kết nối và chia sẻ sự kỳ diệu của âm thanh và sắc màu, giúp học sinh thêm tự tin, biết tìm tòi, khám phá, phát huy, bộc lộ khả năng sáng tạo của bản thân phát triển tư duy về hình ảnh, trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Quan trọng hơn cả, là hướng đến mục tiêu giúp học sinh có thêm niềm cảm hứng, tình yêu đối với cuộc sống", cô Thanh cho biết.
Cô Hoàng Thị Thu, giáo viên Âm nhạc chia sẻ, so với Chương trình GDPT 2006, chương trình GDPT 2018 đã có bước đột phá trong thiết kế môn Nghệ thuật. Trước hết là về sự bố trí xuyên suốt từ cấp tiểu học đến THCS và THPT. Nội dung giáo dục của môn học được xây dựng rất phong phú, hấp dẫn, linh hoạt và khuyến khích sự sáng tạo riêng của mỗi thầy cô, mỗi nhà trường để phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian đầu, việc dạy và học môn Nghệ thuật tại Trường THCS Đa Phúc còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất; nhận thức của phụ huynh và học sinh chưa đầy đủ về ý nghĩa của môn Nghệ thuật. Nhưng với quyết tâm đem lại cho học trò một môi trường học tập phát triển năng lực toàn diện, Trường THCS Đa Phúc đã nỗ lực qua từng tiết học, từng giai đoạn.
Hiện nay, phòng chức năng của nhà trường chưa đầy đủ, ngoài việc được trang bị, nhà trường nỗ lực vận dụng, mua sắm thiết bị cho cô trò dạy học. Trường có đàn organ, ti vi, dàn âm thanh.... Và cô trò còn cùng nhau sáng tạo ra các đồ dùng học tập từ tre nứa, vỏ lon, vỏ chai, con sò... để học cả Âm nhạc, Mỹ thuật.
Dù chưa có phòng chức năng riêng, nhưng dụng cụ học tập cơ bản của cô trò được trang bị đủ.
Em Nguyễn Thị Trâm Anh, học sinh lớp 9A1 chia sẻ, các tiết học môn Nghệ thuật với em rất thoải mái, nhẹ nhàng. Bởi chúng em được "phiêu" với các nốt nhạc, bay bổng cùng nét vẽ. Đặc biệt, qua phần việc cô giao trong bài dự án, tổ nhóm chúng em được làm việc cùng nhau, phát huy thế mạnh cá nhân, tập thể để hoàn thiện nhiệm vụ. Các bạn có khả năng thuyết trình, biểu diễn có cơ hội thể hiện.
Để chuẩn bị cho chuyên đề cấp thành phố môn Nghệ thuật ngày 29/11, em Đỗ Thị Lan Anh, lớp 9A1 được giao tìm hiểu về tác phẩm của Họa sĩ Trần Văn Cẩn. Vốn yêu Mỹ thuật nên Lan Anh rất hứng thú, dành nhiều thời gian để sưu tầm tìm hiểu về người họa sĩ sinh ra và lớn lên tại thành phố Hoa phượng đỏ. Em cho rằng dạy học Nghệ thuật gắn liền với những Nghệ sĩ tiêu biểu của thành phố khiến em thêm yêu và tự hào về những giá trị tinh thần, đóng góp to lớn của họ để từ đó phấn đấu, nỗ lực hơn trong học tập.
Cô Phạm Thị Thanh Hoa và học sinh lớp 7B9, Trường THCS thị trấn An Dương trong giờ học Âm nhạc.
Trường THCS thị trấn An Dương (quận An Dương, TP Hải Phòng) hiện có 1 giáo viên Mỹ thuật, còn phân môn Âm nhạc nhà trường vẫn đang sử dụng giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo cân bằng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần phát triển toàn diện cho học sinh, nhà trường luôn nỗ lực đảm bảo chất lượng.
Cô Nguyễn Thị Bích, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, hiện trường chưa có phòng chức năng riêng cho môn Nghệ thuật mà dùng phòng hội trường. Hơn nữa, tâm lý phần lớn phụ huynh mong muốn con học các môn để thi tuyển sinh vào lớp 10, vì thế vai trò của môn Nghệ thuật còn mờ nhạt. Đặc biệt, việc chọn học sinh ôn tập và dự thi học sinh giỏi môn Nghệ thuật còn gặp rào cản lớn về mặt tâm lý từ phụ huynh. Đây cũng là tâm lý xã hội và cần có thêm thời gian để tuyên truyền, động viên.
Nguyễn Dịu
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/ket-noi-va-se-chia-su-ki-dieu-cua-am-thanh-sac-mau-post713728.html