Kết quả ấn tượng từ việc chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh

Kết quả ấn tượng từ việc chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh
một giờ trướcBài gốc
Sau bảy năm nỗ lực thực hiện chống khai thác hải sản không hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng cả nước chung tay gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản Việt, Hà Tĩnh đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác này.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, về công tác triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.
Nhiệm vụ cấp bách
. Phóng viên: Hà Tĩnh có những giải pháp nào để đẩy mạnh chống khai thác IUU, thưa ông?
Ông Lê Đức Nhân.
+ Ông Lê Đức Nhân: Với quyết tâm cùng cả nước nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm để triển khai thực hiện.
Trong đó, tập trung các nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017; Nghị quyết 52 ngày 22-4-2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Đồng thời, tỉnh đã tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra nghề cá hằng năm; kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU cấp tỉnh; thành lập và duy trì bộ phận để thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh (văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá) nhằm tăng cường công tác chống khai thác IUU.
Tuy vậy, để tập trung cùng với cả nước trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, đặc biệt là chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ năm của EC dự kiến trong tháng 10 này, các sở, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện bốn nội dung lớn gồm: Quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm; ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Ngư dân Hà Tĩnh phấn khởi sau chuyến ra khơi bội thu. Ảnh: THÁI OANH
. Công tác triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
+ Kết quả rất tích cực. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, người dân, các chủ tàu cá.
Tỉ lệ đăng kiểm, cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy phép khai thác thủy sản ngày càng được nâng cao.
Việc phối hợp thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt. Do vậy, các vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn đã giảm đáng kể so với các năm trước đây.
Đến nay, Hà Tĩnh không có ngư dân bị bắt giữ vì tham gia khai thác hải sản trái phép; không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tâm niệm là không được lơ là, chủ quan.
Ông NGUYỄN TRỌNG NHẬT, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh:
Thực hiện đợt cao điểm chống khai thác IUU
Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi thì phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Qua theo dõi hệ thống giám sát tàu cá của Hà Tĩnh, hiện tại tình trạng tàu cá từ 15m trở lên khi hoạt động trên biển mất kết nối có xảy ra. Chúng tôi mời bà con đến làm việc thì được biết nguyên nhân do quá trình làm việc thiết bị trục trặc, nguồn điện cung cấp không ổn định, ngư dân thiếu kiểm tra thiết bị. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp bà con ngắt kết nối. Từ đầu năm đến nay theo báo cáo của Bộ NN&PTNT và trạm bờ của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thì chưa có tàu cá nào của Hà Tĩnh mất kết nối quá 10 ngày trên biển. Theo quy định trong vòng 10 ngày mất kết nối chủ tàu phải khắc phục đưa thiết bị giám sát hành trình hoạt động trở lại, không hoạt động trở lại thì phải vào bờ, nếu quá 10 ngày mới bị xử phạt.
....................
Ông TRỊNH QUANG LUẬT, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân:
“Đi từng ngõ, gõ từng thuyền”
Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng “đi từng ngõ, gõ từng thuyền” và lồng ghép trong các công việc để tuyên truyền về IUU.
Bên cạnh việc công khai danh sách tàu cá và tổ chức mở các lớp tập huấn để thông tin về thủ tục thực hiện đăng ký tàu cá cho chính quyền cấp xã, thị trấn, bà con ngư dân, huyện còn mở đợt cao điểm triển khai, phấn đấu hoàn thành thủ tục đăng ký cho 100% tàu cá “ba không”.
Xử lý nghiêm những vi phạm
. Việc xử lý các tàu cá trong tỉnh và tỉnh bạn vi phạm trong việc khai thác trái phép khu vực, ngành nghề ra sao, thưa ông?
+ Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2024 thay thế Nghị định 42/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định 38 đã hỗ trợ đắc lực, giúp hạn chế ở mức tối đa những sai phạm trong khai thác IUU, khi mọi hành vi vi phạm được quy định rõ ràng, cụ thể hơn và hình thức xử phạt cũng có tính răn đe, nghiêm khắc hơn.
Trong tám tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 80 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, đã phát hiện 32 vụ/34 đối tượng/34 tàu cá vi phạm các quy định về khai thác IUU, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 606,5 triệu đồng.
. Những giải pháp nào để quản lý tối ưu các tàu cá “ba không”, thưa ông?
+ Nhờ làm tốt với nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, các tàu cá từ 15 m trở lên ở Hà Tĩnh hoạt động rất tốt, không vi phạm nhưng Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản).
Để triển khai đăng ký tàu cá “ba không”, Sở NN&PTNT đã ban hành Văn bản 2827 hướng dẫn các địa phương trình tự thực hiện các bước đăng ký; đồng thời thường xuyên đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc công khai danh sách các chủ tàu và đang hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để được đăng ký theo quy định, dự kiến hết ngày 31-12 năm nay sẽ hoàn thành việc đăng ký cho các tàu cá “ba không” trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 78/78 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 100%.
. Hà Tĩnh có những đề xuất gì trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU và ngư dân yên tâm bám biển, thưa ông?
+ Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới có hai cảng cá chỉ định tại hai địa phương trong khi toàn tỉnh có sáu huyện, thị xã ven biển. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương bố trí, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để sớm hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp các cảng cá đảm bảo điều kiện theo yêu cầu của EC.
Đối với các luồng lạch ra vào cảng cá thường xuyên bị bồi lắng, kính đề nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để nạo vét luồng lạch thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động.
. Xin cảm ơn ông.
Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu
Tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 28 tỉnh, TP hồi tháng 8-2024 ven biển cho thấy sau gần một năm từ đợt thanh tra lần thứ tư của EC (tháng 10-2023) và bảy năm triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC cho hải sản của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả được EC ghi nhận.
Khung pháp lý đã được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC. Công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá được tăng cường. Việc thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần thứ tư đến nay đã được rà soát, thực hiện chặt chẽ hơn trước.
Trong công tác thực thi pháp luật, lực lượng chức năng xử lý các hành vi khai thác IUU, khởi tố 11 vụ hình sự, đang điều tra ba vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là về duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), ngăn chặn tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng tại đợt thanh tra lần thứ năm của Đoàn thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10 này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở phát huy trách nhiệm của người đứng đầu hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. PV
...............................
Chính quyền sát cánh cùng ngư dân chống khai thác IUU
Thời gian qua, công tác triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác IUU của tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Việc phối hợp, thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt. Do vậy, các vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn đã giảm đáng kể so với các năm trước đây.
Dưới đây là những hoạt động của chính quyền cùng ngư dân Hà Tĩnh nỗ lực chống khai thác IUU trong thời gian qua. T.MẠNH
Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều cách để tuyên truyền cho các ngư dân hiểu được các quy định về chống khai thác IUU.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra ngư cụ trên tàu thuyền.
Các ngư dân được tuyên truyền về các quy định đánh bắt hợp pháp trước khi đi biển.
Bộ đội biên phòng trao tặng áo phao cho các ngư dân bám biển. Ảnh: T.MẠNH
***************************************
Ngày mai, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Hà Tĩnh
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con ngư dân Hà Tĩnh với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Ngày mai (4-10), Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM đến Hà Tĩnh. Chương trình sẽ cùng chính quyền tỉnh nhà góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Hà Tĩnh là địa phương có biển thứ 17 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và đông đảo bà con ngư dân địa phương.
Ngày 4-10, tại Hà Tĩnh, Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 100 gia đình ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 6 triệu đồng) gồm: Bình ắc quy, đèn LED, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng 1 triệu đồng. Đồng thời, Ban Tổ chức trao tặng 25 suất học bổng cho các học sinh là con em các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi.
Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với 16 tỉnh, TP gồm TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình, Khánh Hòa với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.
BAN TỔ CHỨC
ĐẮC LAM
Nguồn PLO : https://plo.vn/ket-qua-an-tuong-tu-viec-chong-khai-thac-iuu-o-ha-tinh-post813026.html