Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump có tầm nhìn khác nhau về việc quản lý các công nghệ mới nổi.
Nếu được bầu làm tổng thống, Phó Tổng thống Harris tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực của chính quyền Joe Biden trong việc quản lý các công nghệ như AI, bảo vệ công dân khỏi những tác hại tiềm tàng của chúng và định vị Mỹ là nước dẫn đầu toàn cầu về đổi mới có trách nhiệm.
Cựu Tổng thống Trump lại khác. Ông cam kết tháo gỡ “xiềng xích” cho ngành công nghệ Mỹ khỏi các quy định quá mức, cho phép các nhà đổi mới tự do sáng tạo và cạnh tranh.
Quản trị AI
Những tiềm năng và tác hại của AI ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Bà Harris xem việc đảm bảo các hệ thống AI được phát triển và triển khai có trách nhiệm là ưu tiên hàng đầu.
Dựa trên các sáng kiến của chính quyền Biden, bà kêu gọi mở rộng quy mô đầu tư liên bang vào nghiên cứu và phát triển AI, tập trung vào hỗ trợ các dự án ưu tiên an toàn, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Mở rộng Tài nguyên Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Quốc gia là cốt lõi trong chương trình nghị sự AI của bà. Nền tảng dựa trên đám mây này cung cấp cho các nhà nghiên cứu học thuật và ngành công nghiệp quyền truy cập vào các tài nguyên điện toán mạnh mẽ và bộ dữ liệu chất lượng cao của chính phủ.
Các chính sách của bà Harris về các công nghệ mới nổi có thể tác động đáng kể đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bà dự kiến theo đuổi một cách tiếp cận cân bằng để điều chỉnh AI, nhấn mạnh sự đổi mới có trách nhiệm trong khi giải quyết các lo ngại về an toàn và đạo đức.
Bà có thể sẽ duy trì hoặc mở rộng các sáng kiến như Đạo luật Khoa học và CHIPS, hướng tài trợ vào sản xuất công nghệ tiên tiến trong nước.
Đối với người tiêu dùng, Harris đã ủng hộ các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu mạnh mẽ hơn và có thể thúc đẩy các quy định chặt chẽ hơn về cách các công ty công nghệ thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân.
Ngược lại, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã cam kết thay đổi cơ bản các quy định về AI của chính quyền Biden, cho rằng chúng gây bất lợi cho các công ty Mỹ so với Trung Quốc.
Tuyên bố của ông nêu rõ đảng Cộng hòa ủng hộ sự phát triển AI bắt nguồn từ tự do ngôn luận và sự hưng thịnh của con người.
Ông Donald Trump và bà Kamala Harris có những cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề công nghệ. Ảnh: wccftech
Tiền mã hóa và an ninh mạng
Các sự kiện hỗn loạn trong năm qua - từ sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX đến một loạt các cuộc tấn công mạng liên quan đến các chính phủ nước ngoài - đã đổ thêm dầu vào cuộc tranh luận sôi sục về việc kiểm soát ngành công nghệ như thế nào.
Bà Harris đặt ra một nền tảng trung gian về các loại tiền mã hóa, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ người tiêu dùng và loại bỏ tận gốc hoạt động bất hợp pháp trong khi vẫn duy trì không gian cho sự đổi mới tài chính.
Bà úp mở về việc yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ khác đăng ký với chính phủ và tuân thủ các quy tắc chống rửa tiền.
Ông Trump ủng hộ cách tiếp cận tự do hơn nhiều đối với tài sản kỹ thuật số, lập luận rằng các quy định nặng tay có nguy cơ thúc đẩy sự đổi mới ra nước ngoài.
Về an ninh mạng, bà Harris đã kêu gọi chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn trước các cuộc tấn công mạng đã làm tê liệt các bệnh viện, trường học, đường ống dẫn khí đốt và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác trong những năm gần đây.
Năm ngoái, Nhà Trắng đã công bố Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Bà ủng hộ các tiêu chuẩn bảo mật tối thiểu cho các thiết bị kết nối Internet và buộc các nhà sản xuất phần mềm phải chịu trách nhiệm tài chính vì không vá các lỗ hổng đã biết dẫn đến vi phạm.
Tái thiết chuỗi cung ứng chất bán dẫn
Đạo luật Khoa học và CHIPS thể hiện một bước đột phá đáng kể trong chính sách công nghiệp nhằm khôi phục sản xuất chất bán dẫn và tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các công nghệ chiến lược.
Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 có thể định hình quỹ đạo tương lai của sáng kiến.
Đạo luật CHIPS và Khoa học đã phân bổ hàng trăm tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Mỹ và khiến các đồng minh của Mỹ, bao gồm các nhà cung cấp chất bán dẫn chủ chốt là Nhật Bản và Hà Lan, áp đặt các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến.
Cả bà Harris và ông Trump đều cam kết sẽ tiếp tục thực thi đạo luật nếu đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, một số dự án nhận tài trợ đang bị trì trệ và quá tải chi phí, đặt ra câu hỏi về hiệu quả của chương trình.
Bà Harris có thể tập trung nhiều hơn vào việc phân phối lợi ích kinh tế của sự bùng nổ công nghệ cho người lao động và người tiêu dùng.
Ngược lại, ông Trump dường như có xu hướng cho phép các công ty công nghệ tự do hơn, tập trung vào cắt giảm thuế doanh nghiệp và bãi bỏ quy định để thúc đẩy đổi mới.
Cách tiếp cận của ông nhấn mạnh đến việc bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ và giảm sự giám sát của chính phủ để thúc đẩy tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế.
Các công nghệ mới nổi như AI đang nhanh chóng định hình lại chính trị, kinh doanh và văn hóa. Với vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ, ai chiến thắng trong cuộc bầu cử đều ảnh hưởng đến cả cuộc sống bên ngoài biên giới đất nước.
Một cuộc khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu EY nhấn mạnh 74% lãnh đạo công nghệ tin rằng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ tác động đáng kể đến năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghệ.
Trong đó, AI, an ninh mạng, chính sách thương mại và khuôn khổ pháp lý là những lĩnh vực bị giám sát hơn cả.
(Theo ZDN, TechInformed)
Du Lam