Kết quả bước đầu sắp xếp mạng lưới trường học

Kết quả bước đầu sắp xếp mạng lưới trường học
4 giờ trướcBài gốc
Giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phụng Công (Văn Giang)
Năm 2019, thực hiện chủ trương của huyện Văn Giang, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phụng Công (TH và THCS) được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai trường Tiểu học Phụng Công và Trung học cơ sở Phụng Công. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Toản, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phụng Công cho biết: Bước đầu khi thực hiện sáp nhập 2 trường thành 1, nhà trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu đã động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên ổn định tư tưởng; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ phù hợp với từng cán bộ, giáo viên. Sau khi sáp nhập, chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng cải thiện. Cùng với đó, trường cũng thuận lợi hơn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên, nhân viên, nhất là các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ…
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2023-2025, huyện Phù Cừ đã sáp nhập 14 trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) thành 7 trường liên cấp TH và THCS. Theo đánh giá của huyện, việc sáp nhập trường học bước đầu mang lại hiệu quả, bộ máy trường học bảo đảm tinh gọn. Các trường TH và THCS có sự chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, các trường liên cấp thuận lợi trong việc phân công chuyên môn đối với giáo viên dạy một số môn như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, nhất là giáo dục mũi nhọn có nhiều học sinh tham gia và đoạt giải ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đồng chí Hoàng Xuân Hiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp mạng lưới trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục điều tra, rà soát quy mô trường, lớp, biến động dân số để kịp thời tham mưu với UBND huyện xây dựng phương án sắp xếp mạng lưới trường học theo hướng tập trung, tinh gọn để có điều kiện bố trí đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện các nhiệm vụ giáo dục theo yêu cầu mới; tham mưu với UBND huyện huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang, thiết bị phục vụ dạy học. Chỉ đạo các trường học tạo điều kiện cho giáo viên đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn; nhất là các chương trình thay đổi sách giáo khoa. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân về chủ trương sáp nhập các đơn vị trường học nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục và bảo đảm được môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả và bình đẳng.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh sáp nhập 57 trường TH và 57 trường THCS thành trường liên cấp TH và THCS. Thực tế cho thấy, việc sáp nhập trường học đã góp phần giảm số lượng cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học; tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần cải cách chính sách tiền lương. Các cơ sở giáo dục đã chủ động trong việc cân đối, sắp xếp, bố trí đội ngũ, phân công lao động trong đơn vị, khắc phục được một phần tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên hiện nay, việc sáp nhập trường học tại một số đơn vị còn gặp không ít khó khăn như: Sau sáp nhập, công tác quản lý, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động của hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ của nhân viên có khối lượng công việc nhiều hơn; một số đơn vị có 2 điểm trường cách xa nhau, giao thông giữa các điểm trường không thuận lợi, việc đưa các điểm trường về chung một địa điểm chưa thực hiện được do địa phương chưa bố trí được quỹ đất, khó khăn về kinh phí đầu tư; sự thay đổi về quy mô lớp học, cơ sở vật chất khiến nhiều trường học khó đạt chuẩn quốc gia…
Việc sáp nhập trường học có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn đã giảm được một số đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách về tinh giản biên chế. Lộ trình sắp xếp, sáp nhập các trường, điểm trường đang tiếp tục được ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với các địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm các chỉ tiêu Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.
Vũ Huế
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/ket-qua-buoc-dau-sap-xep-mang-luoi-truong-hoc-3176014.html