Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 tạo niềm tin cho tuyển sinh đại học

Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 tạo niềm tin cho tuyển sinh đại học
3 giờ trướcBài gốc
Đề thi phân hóa tốt, điểm chuẩn đại học sẽ giảm nhẹ
Theo Bộ GD-ĐT, việc phân tích kết quả thi của thí sinh nhằm đánh giá chất lượng đề thi, kỳ thi và công tác dạy học trên toàn quốc. Bộ cũng thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả.
Điểm đột phá lớn nhất của kỳ thi là đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy
Tính trên tất cả các môn, cả nước có hơn 15.300 bài thi đạt điểm 10, cao hơn khoảng 4.400 bài so với năm 2024. Trong đó, môn Địa lý có số thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhiều nhất với khoảng 6.900 bài, tiếp theo là môn Vật lý với 3.929 bài, Lịch sử 1.518 bài và Giáo dục kinh tế và pháp luật 1.451 bài.
Điều bất ngờ nằm ở môn Toán - một trong hai môn thi bắt buộc – với 513 em đạt điểm 10, cùng môn Tiếng Anh với hơn 100 thí sinh đạt điểm tuyệt đối, dù trước đó nhiều thí sinh đánh giá hai môn này tương đối khó so với đề minh họa đã được công bố.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây là điểm thú vị, cho thấy tín hiệu tích cực của việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông phân tích: "Khi chưa có kết quả, ta cứ nghĩ học sinh chưa làm được, kết quả sẽ rất sốc. Nhưng kết quả cho thấy các thí sinh làm được. Điều này chứng tỏ, học sinh đã đi trước. Các em đã thích ứng, mặc dù lạ, bỡ ngỡ, vì chưa được làm quen nhiều với đề thi mới. Đây là điều bất ngờ, lạc quan ở chỗ, học sinh dường như bắt đầu có năng lực thích ứng nhanh chóng".
Qua phân tích phổ điểm có thể thấy, điểm 10 phân bố ở nhiều địa phương khác nhau, đây là minh chứng cho tính bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tri thức. Ngay cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vẫn có thí sinh đạt điểm tuyệt đối cho thấy năng lực học tập và tiếp cận chương trình mới không chỉ giới hạn ở những nơi có điều kiện thuận lợi.
“Với phổ điểm năm nay, các trường đại học có thể yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông làm căn cứ tuyển sinh. Kỳ thi năm nay có một số đổi mới tích cực, đặc biệt là việc ứng dụng kỹ thuật khảo thí hiện đại”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nội dung đề thi được xây dựng bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó đưa vào nhiều dữ liệu mang tính thực tiễn, cho thấy xu hướng đánh giá năng lực thực sự của học sinh đang được triển khai rõ nét. Theo ông Sơn, điểm đáng ghi nhận là học sinh đã bắt đầu thích ứng nhanh với những thay đổi trong cách dạy, cách học và cách thi.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, kết quả thi tốt nghiệp năm nay có sự phân hóa tốt, giúp các trường có thể tin tưởng sử dụng điểm thi này cho xét tuyển đại học. Ông nhận định: "Đề thi cũng được đánh giá là khó hơn năm trước, khi chuẩn đầu ra từ mức A2 (năm 2024) đã nâng lên B1 (năm 2025). Mặc dù tỉ lệ thí sinh dưới trung bình vẫn ở mức khoảng 38%, nhưng rõ ràng năng lực tiếng Anh của các thí sinh tốt hơn hẳn so với trước kia".
Ông Đức dự đoán, điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay sẽ thấp hơn so với năm ngoái với nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đề thi có sự phân hóa tốt hơn, điểm trung bình chung có giảm. Tỉ lệ điểm giỏi so với mọi năm thấp hơn. Vì vậy, điểm chuẩn xét tuyển thấp hơn so với năm ngoái. Theo ông Đức, điểm trung bình Ngữ văn và Địa lý vẫn tương đối cao nên chênh lệch điểm chuẩn không quá nhiều so với năm ngoái như tổ hợp C00. Còn với tổ hợp có Toán và Tiếng Anh, ông Đức dự đoán điểm chuẩn giảm nhiều.
Liên quan đến dự đoán điểm chuẩn đại học năm 2025, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá, đề toán năm nay có tính phân loại tốt, đây là lợi thế cho các trường đào tạo công nghệ, vi mạch bán dẫn, vì sẽ chọn được những thí sinh thực sự giỏi, có tố chất tốt. Tuyển sinh đại học năm nay có điểm khác biệt cơ bản so với những năm trước là Bộ yêu cầu quy đổi điểm trúng tuyển giữa các phương thức và sử dụng phương pháp bách phân vị để có quy tắc quy đổi. Vì thế, chúng ta không cần quá lo lắng về sự chênh lệch giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển.
Đại diện nhiều trường cho biết đề thi năm nay có độ khó tăng, yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và tư duy thực tiễn. Điểm chuẩn tổ hợp A00, D01, B00 có thể giảm 0,5 - 1,5 điểm. Một số trường đã lên phương án điều chỉnh tổ hợp và điểm chuẩn phù hợp.
Học thật - Thi thật - Kết quả thật - Nhân tài thật
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn Toán tại Hà Nội cho rằng, phổ điểm kỳ thi THPT 2025 có sự dịch chuyển rõ rệt, cho thấy đề thi phân hóa mạnh và thách thức cao hơn những năm trước. Đỉnh điểm phổ rơi vào nhóm 4,5–6 điểm, số lượng bài từ 8 điểm trở lên giảm rõ rệt, phản ánh khả năng hoàn thành đề giảm ngay cả với học sinh khá giỏi. Điều này tạo sự phân tầng rõ nét trong xét tuyển đại học, điểm chuẩn của các trường top đầu có thể chỉ ở mức 24 điểm thay vì 27–28 như các năm trước.
Thầy cũng nhận định phổ điểm là lời cảnh báo cho việc dạy và học hiện nay: nhiều học sinh học theo lối tiếp cận từ "ngọn", thiếu kiến thức nền tảng, kỹ năng vận dụng còn yếu. Đề thi năm nay đã phơi bày mặt trái này và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi. Theo thầy, cả học sinh và giáo viên cần điều chỉnh phương pháp dạy – học, tập trung vào việc nắm chắc kiến thức căn bản và phát triển năng lực thực hành, tư duy.
Thầy dự đoán: phải mất 3–5 năm với đề thi giữ ổn định thì điểm thi mới cải thiện đáng kể. Cần đổi mới mạnh mẽ ngay từ năm học này để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định kỳ thi năm nay đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và thành công toàn diện. Ông nhấn mạnh kỳ thi đã hoàn thành đầy đủ ba mục tiêu lớn mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao: xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy và học phổ thông; và cung cấp dữ liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thứ trưởng cho biết: “Điểm đột phá lớn nhất của kỳ thi năm nay chính là đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Chúng ta không chỉ đổi mới cách thi, mà quan trọng hơn là thay đổi cách dạy và cách học – từ học thuộc lòng sang phát triển phẩm chất, năng lực thật sự cho học sinh”.
Ông cũng cho biết, kỳ thi năm nay lần đầu tiên tổ chức theo định hướng nghề nghiệp, cho phép học sinh tự chọn môn thi theo sở trường và nguyện vọng, kể cả trong trường hợp tại một địa phương chỉ có một thí sinh đăng ký môn thi, ngành giáo dục vẫn tổ chức thi đầy đủ. Đây là minh chứng cho tinh thần tôn trọng sự đa dạng và cá nhân hóa trong giáo dục.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: “Kỳ thi năm nay chính là bước đi mạnh mẽ hiện thực hóa mục tiêu mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Học thật - Thi thật - Kết quả thật - Nhân tài thật”.
Thu Hằng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ket-qua-diem-thi-tot-nghiep-thpt-2025-tao-niem-tin-cho-tuyen-sinh-dai-hoc-post1215057.vov