Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất
Nhằm khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024, từ kỳ tuyển sinh từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh một số quy định với các trường.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến quy định thời điểm mà các trường công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải có sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức là ngày 31-5 hằng năm.
Liên quan đến việc tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa ra quy định, khi sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển cần bảo đảm tính công bằng nếu sử dụng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển vào cùng một ngành.
Về các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... do các cơ sở giáo dục tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lý nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi. Cụ thể, quy trình xây dựng ngân hàng đề, đề thi phải không vượt quá yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này rất quan trọng nhằm bảo đảm để học sinh không phải ôn thi riêng. Quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn, thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi. Hiện nay, mỗi trường đang sử dụng một hình thức khác nhau, khiến học sinh vất vả trong việc tham gia kỳ thi.
Xét tuyển sớm là phương thức tuyển sinh độc lập, không phụ thuộc vào điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức này sử dụng những hình thức xét tuyển như: Xét học bạ trung học phổ thông, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển sinh đặc thù, các hình thức ưu tiên theo quy định riêng của từng trường.
Thực tế triển khai phương thức xét tuyển sớm những năm qua tại các trường đại học cho thấy, đây là phương thức giúp thí sinh giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học. Tuy nhiên, phương thức này cũng khiến nhiều người nghi ngại về tính công bằng trong xét tuyển vào đại học, thậm chí có ý kiến cho rằng nên bỏ phương thức xét tuyển sớm.
Thống Nhất