Kết thúc kỷ nguyên khí đốt giá rẻ của Nga ở EU

Kết thúc kỷ nguyên khí đốt giá rẻ của Nga ở EU
2 ngày trướcBài gốc
Biểu tượng Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ở Gelsenkirchen, miền Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 8/2024 đã tuyên bố sẽ không tiếp tục gia hạn hợp đồng và thông báo để Liên minh châu Âu (EU) có thời gian chuẩn bị. Ủy ban châu Âu (EC) nhận định hệ thống khí đốt của lục địa này “có khả năng phục hồi và linh hoạt”. Mặc dù vậy, Nga vẫn có thể vận chuyển khí đốt đến Hungary, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia, thông qua đường ống TurkStream xuyên Biển Đen.
Việc ngưng dòng khí đốt chảy qua Ukraine đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên khí đốt giá rẻ của Nga ở EU. Slovakia là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi EC cho biết tác động của việc dừng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ được giảm thiểu nhờ sự chuẩn bị kĩ lưỡng và nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, việc Ukraine "khóa van” có tác động mang tính chiến lược và biểu tượng rất lớn đối với toàn bộ châu Âu.
Nga đã mất đi một thị trường quan trọng nhưng Tổng thống Vladimir Putin cho biết các quốc gia EU sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn. EU đã giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, nhưng một số quốc gia thành viên khu vực Đông Âu vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp này, mang lại cho Nga khoảng 5 tỷ euro (5,2 tỷ USD) mỗi năm.
Khí đốt từ Nga chiếm chưa đến 10% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2023, so với mức 40% của năm 2021, theo số liệu chính thức của khối này. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, bao gồm Slovakia và Áo, vẫn tiếp tục nhập khẩu một lượng khí đốt đáng kể từ Nga.
Cơ quan quản lý năng lượng của Áo cho biết họ không dự báo bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào vì nước này đã đa dạng hóa các nguồn cung và đảm bảo nguồn dự trữ. Nhưng quyết định của Ukraine đã gây ra căng thẳng nghiêm trọng với Slovakia, hiện là điểm nhập khẩu chính của khí đốt Nga vào EU và họ cũng thu được phí trung chuyển khí đốt sang Áo, Hungary và Italy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm thường niên tại Moskva, ngày 19/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Nga đã vận chuyển khí đốt đến châu Âu đi qua Ukraine từ năm 1991. Khi EU giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, khối này đã tìm được các nguồn thay thế là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ cũng như khí đốt qua đường ống từ Na Uy.
TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/ket-thuc-ky-nguyen-khi-dot-gia-re-cua-nga-o-eu/359009.html