Đây là thông tin đáng chú ý trong Thông báo số 455 của UBND TP.HCM gửi các nhà đầu tư quan tâm tham gia thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp tham gia dự án phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm. Cụ thể, về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp 1.491 tỷ đồng (bằng 15% tổng mức đầu tư dự án), không bao gồm vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm.
Bình đồ hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Đồng thời, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng, thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.
Về kinh nghiệm, UBND TP.HCM yêu cầu số lượng tối thiểu các dự án mà nhà đầu tư, hoặc thành viên tham gia liên danh cùng thực hiện, đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính với 2 dự án. Cụ thể là dự án loại 1, thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công, có tổng mức đầu tư tối thiểu bằng 5.211 tỷ đồng; dự án mà nhà đầu tư có phần giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 746 tỷ đồng; dự án đã hoàn thành giai đoạn xây dựng trong 5 năm gần đây; giá trị phần công việc nhà đầu tư tham gia trong gói thầu/hợp đồng tối thiểu bằng 2.577 tỷ đồng; gói thầu/hợp đồng đã kết thúc trong 5 năm gần đây.
Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 51 km, trong đó, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối giao với Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Vận tốc thiết kế là 120 km/h, có 6 làn xe, bề rộng nền đường 33m. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2027. Dự kiến sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 409,3 ha.
Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 19.617 tỷ đồng. Riêng tổng mức đầu tư của các dự án thành phần 1 theo hợp đồng BOT là 10.421 tỷ đồng; dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc có tổng mức đầu tư khoảng 2.422 tỷ đồng; dự án thành phần 3 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM có tổng mức đầu tư khoảng 5.270 tỷ đồng; dự án thành phần 4 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Tây Ninh có tổng mức đầu tư khoảng 1.504 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỷ đồng (chiếm 50,69% tổng mức đầu tư dự án) được bố trí trước từ nguồn vốn ngân sách Thành phố và sẽ được nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả lại cho ngân sách Thành phố. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 9.674 tỷ đồng (chiếm 49,31%).
Theo tính toán của UBND TP.HCM, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cho dự án khoảng 11,77%/năm. Thời hạn thu phí dự án dự kiến là 16 năm 9 tháng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 22; hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh TP.HCM, Tây Ninh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung…
Xuân Tình