Kể từ sau khi cơn bão số 3 tàn phá các tỉnh vùng núi phía Bắc, để lại nhiều đau thương, mất mát cho các bà con, đã xuất hiện nhiều tấm lòng hảo tâm đứng ra kêu gọi từ thiện để góp phần giảm thiểu nỗi đau cho các bà con. Tuy vậy, nhiều cá nhân do thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc quá vội vàng, đã khiến nhiều hoạt động từ thiện trở nên biến tướng, thiếu hiệu quả, và thậm chí còn cố tình “tạo tên tuổi”, xây dựng hình ảnh dựa trên nỗi đau của đồng bào.
Một bài viết "phông bạt" từ thiện trong thời điểm bão số 3. Ảnh chụp màn hình.
Điển hình, khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai 12.028 trang sao kê từ thiện, cộng đồng mạng đã phát hiện một số cái tên có hành động "làm màu", thậm chí sử dụng sao kê giả để thể hiện số tiền ủng hộ không đúng thực tế. Tiêu biểu trong số đó là những trường hợp như tiktoker P.V.A chỉ chuyển 1 triệu đồng nhưng đăng ảnh đã chuyển 20 triệu đồng, hay như tiktoker L.P đăng ảnh chuyển 50 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ chuyển 500 nghìn đồng… Sau đó, cả 2 tiktoker này đã phải công khai xin lỗi người theo dõi.
Trước những thông tin trên, Bộ Công An đã thông báo sẽ giải quyết tố giác hành vi "phông bạt" biên lai chuyển tiền, cụ thể, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa biên lai chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ. Còn nếu chưa gây hậu quả xấu, người “phông bạt” vẫn có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và 5-10 triệu đồng với cá nhân, theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu thiếu kiến thức về pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện, người dân dễ dàng trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi. Điển hình như một trường hợp xảy ra vào tháng 9 vừa qua, khi một nạn nhân đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho một người tuyên bố là sẽ mua 2.000 áo phao cứu trợ tại Tuyên Quang, nhưng sau đó người này biến mất không dấu vết.
Cũng trong tháng 9, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đã cảnh báo về tình trạng xuất hiện các fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cũng đã xuất hiện một fanpage giả danh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện nhằm kêu gọi quyên góp cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ sập cầu Phong Châu.
Gần đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao bắt giữ đối tượng Lê Trung Thành (sinh năm 1984, trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc) vì hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Điều tra cho thấy đối tượng này đã lập tài khoản Facebook giả danh một nhà sư nổi tiếng trong công tác từ thiện, chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng từ hàng trăm nạn nhân trên cả nước.
Sau vụ cháy chùa Vạn Phật tại Thành phố Pleiku vào ngày 22/9, trên mạng xã hội đã xuất hiện một fanpage giả mạo với tên “Chùa Vạn Phật”, sử dụng ảnh đại diện và ảnh bìa giống trang chính thức, đăng tải hình ảnh, video của chùa và chạy quảng cáo để tiếp cận nhiều người. Sau đó, fanpage này còn kêu gọi ủng hộ xây dựng chánh điện, công khai số tài khoản ngân hàng. Khi một số người nhận ra đây là trang lừa đảo và bình luận cảnh báo, đối tượng lập tức xóa bình luận và chặn những tài khoản này.
Việc tham gia hoạt động từ thiện là điều đáng để xã hội ghi nhận, tuy nhiên, làm thế nào cho đúng và không để dính vào những tranh cãi, thậm chí vi phạm pháp luật là điều mà nhiều người cần phải chú ý. Để tránh sai lầm và những tai tiếng không đáng có, việc người dân có thể nắm rõ các quy định pháp luật về từ thiện là cần thiết hơn bao giờ hết. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP, người kêu gọi từ thiện cần đáp ứng các quy định về mục đích, phương thức, hình thức vận động, tài khoản và thời gian phân phát từ thiện. Đồng thời, cá nhân kêu gọi từ thiện phải gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.
Về tính minh bạch của hoạt động từ thiện, Nghị định 93/2021/NĐ-CP cũng yêu cầu người kêu gọi từ thiện phải có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Quy định đã có, phần còn lại trách nhiệm của những người tham gia phải tuân thủ những quy định đó và đảm bảo các khoản đóng góp cùng tấm lòng của các nhà hảo tâm được chuyển đến người dân khó khăn một cách trọn vẹn và minh bạch. Điều này không chỉ ngăn ngừa tình trạng “tiền mất, tật mang”, mà còn góp phần xây dựng tình đoàn kết giữa các nhà hảo tâm, đồng bào cùng lũ lụt và chính quyền địa phương, làm vững chắc hơn khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngược lại, nếu có tư tưởng thông qua việc từ thiện để trục lợi thì những vụ việc lợi dụng, thiếu minh bạch trong từ thiện sẽ tiếp tục xảy ra. Khi đó, người duy nhất được hưởng lợi từ từ thiện lại chính là những đối tượng xấu, thay vì những bà con đang gặp khó khăn, đang cần sự hỗ trợ nhất...
Phú Quý