Ngày 13.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự, chỉ đạo và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là lần thứ 2 nước ta tổ chức hội nghị khoa học, sau Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam được tổ chức ngày 18.5.1963 tại hội trường Ba Đình lịch sử.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: Cổng TTĐTQH
Những biện pháp quyết liệt và táo bạo
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị: “Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta. Tuy nhiên, phát triển KH-CN và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng” để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật. Đột phá luôn mang tính mới mẻ, tính hiệu quả, vượt giới hạn, tạo ảnh hưởng lớn”.
Trước đó, ngày 22.12.2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được công bố. Đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, trong tương lai, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Điều đặc biệt, lần đầu tiên một nghị quyết của Bộ Chính trị mà đích thân Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban chỉ đạo, thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến vai trò then chốt của KH-CN như là động lực phát triển kinh tế - xã hội: “Phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư chỉ ra những tồn tại trong nền KH-CN nước ta, như các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục; các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho KH-CN hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của ta chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm đề tài là hình thức "làm kinh tế biến tướng"...
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Theo Tổng Bí thư, cần chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để “đi tắt đón đầu” làm chủ tương lai.
Do đó, triển khai nghị quyết phải hướng vào những vấn đề thực tiễn đất nước đang đòi hỏi, thị trường và nền kinh tế đang cần. Những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, đăng ký được bản quyền.
Tổng Bí thư trăn trở làm sao để đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời. Để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, Tổng Bí thư có nhiều chỉ đạo hết sức quyết liệt và táo bạo, trong đó chấp nhận đầu tư vào KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Cần xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua và đưa ra những nhiệm vụ phải làm, trong đó phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách; tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải tính toán hình thành cơ chế kiến trúc sư trưởng hoặc tổng công trình sư cho việc thực hiện các đề án, dự án lớn về KH-CN và chuyển đổi số mang tính liên ngành; lập viện quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định về các nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, kiểm định sản phẩm và dịch vụ. Nhà nước tạo thuận lợi thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, hỗ trợ về thủ tục, khuyến khích bằng thuế và tín dụng, được mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, được tạo mọi điều kiện để hoạt động thuận lợi.
Tổng Bí thư yêu cầu ưu tiên bố trí ngân sách cho KH-CN xứng tầm là quốc sách đột phá; cải cách triệt để quy trình phân bổ, quản lý và thanh quyết toán kinh phí, loại bỏ cơ chế “xin - cho” và các thủ tục rườm rà để tối ưu hóa nguồn lực và khuyến khích sáng tạo. Nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài KH-CN, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo AI), công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo
Đó là một trong nhiều vấn đề then chốt Tổng Bí thư đề cập. Đặc biệt mong muốn các chuyên gia nhà khoa học ngước ngoài, Việt kiều đóng góp cho sự phát triển KH-CN của nước ta, thậm chí đề xuất thí điểm thuê chuyên gia nước ngoài làm giám đốc các viện nghiên cứu.
Tổng Bí thư yêu cầu loại bỏ ngay tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, bình quân chủ nghĩa; tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành. Nay mọi thứ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều” - Tổng Bí thư phát biểu.
TS toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng tư duy mời chuyên gia nước ngoài làm lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục là đột phá.
Tư duy này được nhiều trí thức, nhà khoa học nước ngoài tâm đắc và ủng hộ. Nhà nghiên cứu y khoa, GS Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS, Úc), GS y khoa của Đại học New South Wales, Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Úc, cho rằng những gì Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu là nói rất thật và rất gần với thực tế. Chẳng hạn ông nói các nhà khoa học bỏ ra quá nhiều thì giờ cho thủ tục hành chính. Quá đúng. Ông nói "Các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả". Quá đúng luôn.
GS Nguyễn Văn Tuấn nêu chính kiến: “Quan điểm của tôi là Việt Nam cần ít nghiên cứu hơn, nhưng rất cần nghiên cứu có chất lượng cao và nghiên cứu vì những lý do chính đáng. Không nên đầu tư vào những nghiên cứu không có tiềm năng đem lại lợi ích. Không nên đầu tư vào những nghiên cứu tào lao chỉ để đăng báo. Không nên đầu tư vào những nghiên cứu chỉ vì lý do thi đua".
GS Nguyễn Văn Tuấn than phiền: Thủ tục trong khoa học ở Việt Nam khá nhiêu khê, đặc biệt là có “yếu tố nước ngoài”. Ông dẫn chứng: “Bất cứ khi nào tôi được mời nói chuyện trong một seminar (cho dù chỉ 60 phút) ở Việt Nam, ban tổ chức hoặc người mời khá vất vả với thủ tục. Người mời sẽ phải xin phép 3 nơi: đại học hay bệnh viện; an ninh, thông tin truyền thông. Tôi phải gởi slides của bài nói chuyện cho người tổ chức để họ làm thủ tục xin phép. Nếu lần sau và lần sau nữa, tôi quay lại nói chuyện, thì thủ tục trên được lặp lại.
Đó là thủ tục khi mời một chuyên gia nước ngoài giảng bài, hay chỉ đơn giản là nói chuyện trong seminar”.
GS Nguyễn Văn Tuấn so sánh: “Còn ở nước ngoài thì sao? Tôi thường xuyên được mời nói chuyện trong các hội thảo khoa học ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Miến Điện, Pakistan, Ấn Độ, thậm chí ở Trung Quốc, người ta không có cái thủ tục như trên. Vì nó không cần thiết”.
Nói về việc thu hút các chuyên gia ở nước ngoài về Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn bày tỏ: “Trong khoa học và giáo dục chưa thấy có gì “đột phá”. Ở Trung Quốc có chương trình "Thousand Talents Plan" đã giúp cho Trung Quốc nhanh chóng nâng cao vị thế khoa học trên trường quốc tế. Nếu có dịp nói chuyện, tôi đề nghị Việt Nam bắt chước Trung Quốc (bắt chước cái hay của họ), tức là thiết lập một chương trình như thế, có thể lấy tên là "Vietnam Ascend 1000".
Ý kiến của GS Nguyễn Văn Tuấn cho thấy những rào cản vô hình vẫn đang kìm hãm sự phát triển KH-CN, làm chậm nhịp tiến với thế giới, cần phải tháo gỡ.
Ngày 30.12.2024 Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ các đại biểu tri thức, nhà khoa học - Ảnh: TTXVN
Trong buổi gặp mặt trí thức, nhà khoa học tại Hà Nội ngày 30.12.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng đề cập đến mục tiêu đầy thách thức: “Đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực”.
TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng chỉ trong vòng 2 tuần Tổng Bí thư Tô Lâm đã có hai bài phát biểu quan trọng về khoa học kỹ thuật, xem khoa học là “chìa khóa vàng”, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần”, xác định “phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn”, đánh giá cao vai trò của nhà khoa học.
TS Nguyễn Ngọc Chu ủng hộ đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển”.
TS Chu cho rằng giữa nghị quyết và thực tiễn là một khoảng cách, có thể rất lớn. Ông cũng cho rằng để đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam “có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” là rất khó.
Ông Chu nêu ý kiến, để phấn đấu cho những mục tiêu đó, thì chìa khóa là "môi trường làm việc", mà các thành tố quan trọng là thể chế và một nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Và TS Nguyễn Ngọc Chu nêu điều kiện “cần lắm một cuộc cải cách căn bản, sâu rộng, và toàn diện để đất nước vươn mình”.
Đó cũng là lý do Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo. Những điểm nghẽn đó đã được kỳ họp bất thường của QH vừa qua bắt đầu tháo gỡ bằng nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết có nhiều điểm đột phá như chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận và nhiều ưu đãi khác... (còn tiếp)
Lưu Vĩnh Hy