Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, nhiều hộ gia đình ở xã Phú Sơn đã có thu nhập ổn định
Với 6 sào trồng dâu, nuôi tằm từ năm 2022, sau một năm học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư, gia đình anh K’Luân từng thuộc diện hộ nghèo, đến nay, đã vươn lên làm giàu, thoát nghèo trong năm 2023. “Được chính quyền cho đi học tập kinh nghiệm ở một số nơi, bên cạnh đó, được hỗ trợ nong né, phân bón nên gia đình tôi mạnh dạn hơn. Ban đầu vì chưa quen, nhìn thấy con tằm tôi hơi sợ, nhưng một thời gian sau cũng quen dần và thấy dâu tằm dễ trồng, không cần bỏ sức chăm sóc nhiều. Trung bình gia đình thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng nhờ trồng dâu, nuôi tằm mỗi tháng”, anh K’Luân tâm tình.
Chung niềm vui với những hộ trồng dâu, nuôi tằm trong thôn, anh Mbon Ha Minh (thôn Preteing 2) cũng đã có những lứa dâu xanh trên mảnh vườn ngày nào còn trồng cà phê. Anh Ha Minh kể rằng, trước đây gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế chính phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa nước. Kể từ khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Ha Minh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 3 sào đất trồng lúa nước sang trồng dâu, nuôi tằm để phát triển kinh tế. Lần đầu được hướng dẫn trồng dâu, nuôi tằm, anh cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng khi thấy cây dâu trồng xuống vài ba ngày đã bén rễ, nảy lộc rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Đồng thời, nhờ chính sách của nhà nước đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh Ha Minh được hỗ trợ giống, hướng dẫn kiến thức kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, tham gia các lớp tập huấn ở địa phương, học hỏi kiến thức từ tổ hợp tác phát triển kinh tế trồng dâu, nuôi tằm... nên việc nuôi tằm trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. “Giá kén tằm duy trì ở mức ổn định, đời sống kinh tế gia đình đã cải thiện rõ rệt. Đến nay, với diện tích đất canh tác ít, việc chuyển đổi trồng dâu, nuôi tằm đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, đều đặn, tháng nào đạt năng suất sẽ có thu nhập gần chục triệu đồng”, anh Ha Minh vui vẻ nói.
Hiện thôn Preteing 2 có 380 hộ với 1723 nhân khẩu, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 25 hộ. Ông Lâm Văn Quyền - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Preteing 2 chia sẻ: “Ban đầu, nhiều hộ đồng bào ngại nuôi vì không biết cách trồng dâu và sợ con tằm. Nhưng khi được cán bộ xã hướng dẫn, thấy được việc nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao nên các gia đình đã chuyển đổi. Trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều, để tằm phát triển tốt, nông hộ cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt, việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn. Hiện trên địa bàn có khoảng trên 30 hộ đang tham gia thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm với diện tích khoảng hơn 23 ha. Đến nay, tổng thu nhập trung bình từ trồng dâu, nuôi tằm khoảng 7 - 8 triệu đồng/hộ/tháng”.
Đến cuối năm 2024, qua rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2026, toàn xã Phú Sơn có 26 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,24%; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 21 hộ; có 63 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,00%; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 18 hộ. Ông Hà Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: Với việc tập trung xây dựng mô hình sinh kế theo hướng chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê già cỗi, lúa 1 vụ năng suất thấp sang trồng dâu, nuôi tằm, thời gian qua, UBND xã đã có đề nghị UBND huyện Lâm Hà và các phòng, ban, đơn vị liên quan hỗ trợ một số nội dung như đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho các hộ dân. Cùng với đó, hỗ trợ về kinh phí mua nong, né, giống cây dâu, vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ thôn, người có uy tín và các hộ dân đăng ký chuyển đổi cây trồng tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình đã thành công trong việc chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm trong và ngoài địa phương. “Chính vì bà con đã mạnh dạn chuyển đổi, thay đổi cách thức trồng trọt nên cuộc sống trở nên khấm khá hơn, đặc biệt là đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, triển khai được 25 ha dâu với 52 hộ trồng dâu, nuôi tằm có thu nhập 6 - 10 triệu đồng/hộ/tháng”, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho hay.
Đây được xem là tín hiệu tích cực về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo đối với người dân địa phương nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng. Hiện, xã Phú Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng giống dâu mới, với phương pháp kỹ thuật mới như ươm cây con, hom cành; áp dụng các kỹ thuật nuôi và chăm sóc tằm con, tằm lớn như nuôi tằm trên khay trượt… Qua đó, từng bước phát triển dâu tằm bền vững, tăng thu nhập cho các hộ gia đình; góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
THÂN THU HIỀN