Mỗi năm, cứ đến những ngày Tết hay dịp 30-4 là bà Phan Tuyết Xuân, nguyên cán bộ Ban Tổ chức LĐLĐ TP HCM, lại bồi hồi tưởng nhớ người cha kính yêu - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Hân, nguyên Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước.
Di ảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Hân
Đức độ, tài giỏi
Bà Phan Tuyết Xuân quê gốc ở An Giang, ông nội là liệt sĩ chống Pháp hy sinh năm 1945, bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sinh năm 1952, bà theo cha từ An Giang lên Sài Gòn những năm 1960 khi ông chuyển địa bàn hoạt động.
Năm 1967, vừa học xong nghiệp vụ y tá ở căn cứ tại biên giới Campuchia, bà Tuyết Xuân được điều về Sài Gòn, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trong cánh quân của Phân khu 2 và làm giao liên cho lãnh đạo Công vận Sài Gòn. Bà quen ông Lê Phước Hậu (Bảy Hậu) khi ra chiến khu học tập, đến năm 1975 mới tổ chức đám cưới. Sau năm 1975, bà làm cán bộ tổ chức của LĐLĐ TP HCM...
Bà Tuyết Xuân cho biết hình ảnh người cha luôn thân thương, gần gũi, là tấm gương để con cháu trong gia đình noi theo về sự gương mẫu, kiên trung, một lòng với Đảng, với dân.
Anh hùng Phan Văn Hân - còn có các tên gọi Phan Thành Long, Hai Sang - sinh năm 1925, tham gia hoạt động từ năm 1940, kinh qua các chức vụ: Tỉnh ủy viên Long Xuyên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới, Bí thư Tỉnh ủy Long Châu Sa, Khu ủy viên Khu 8. Từ năm 1960 đến 1968, ông là Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Phân khu 2.
Ông Lê Phước Hậu và bà Phan Tuyết Xuân trong một chuyến du lịch. (Ảnh tư liệu gia đình)
Trong ký ức của đồng chí, đồng đội và cơ sở cách mạng, ông Hai Sang là một tấm gương mẫu mực về đức độ vẹn toàn, tài giỏi về công tác quân sự, chính trị, đặc biệt là công tác tổ chức đô thị. Trước và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông xây dựng cơ sở vững chắc, nơi cất giấu vũ khí, nơi ém quân, địa điểm tập kết các lực lượng vũ trang, các mũi tiến công…
Ông Hai Sang đã mưu trí hoạt động trong lòng địch giữa Sài Gòn. Mùng 6 Tết Mậu Thân, địch bảo nhau phải bắt cho được "tướng tình báo Hai Sao của Việt Cộng" (chúng nghe nhầm Hai Sang thành Hai Sao), song ông đã thoát khỏi vòng vây. Trong khí thế mùa xuân 1968, anh em đồng chí ấm lòng khi có ông bên cạnh, động viên cán bộ, chiến sĩ vững vàng tay súng. Thế nhưng, trong đợt 2 tổng công kích, do bị chỉ điểm mà ông bị địch bắt trên đường từ nội thành trở ra vùng ven.
Vững vàng khí tiết
Bắt được ông Hai Sang, địch tra tấn dã man song ông luôn giữ vững khí tiết. Địch đã giả vờ trao trả, ghi tên ông trong danh sách nhưng không có người và bí mật thủ tiêu…
Bà Tuyết Xuân nhớ lại: "Hôm nhận được tin ba tôi có mặt trong đợt trao trả tù binh khi thi hành Hiệp định Paris, gia đình mừng lắm. Từ lúc ba tôi bị bắt đến lúc đó, gia đình có hay tin tức gì đâu. Nhưng té ra không phải. Cũng tên đó họ đó trong danh sách, chỉ có con người là không có mặt. Chúng đã thủ tiêu ba tôi!".
Nhờ ông Hai Sang giữ vững khí tiết mà cơ sở cách mạng được bảo toàn. Các ông Võ Trần Chí - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; Nguyễn Văn Thuyền (Ba Tôn), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM; Huỳnh Ngọc Diệp (Tư Phương), nguyên Bí thư Quận ủy quận 8… và cơ sở cách mạng thời đó đều xác nhận ông Hai Sang đã giữ được khí tiết khi bị địch bắt. Nhờ vậy, tất cả cơ sở nội thành và những lực lượng xâm nhập từ các ngành bên trên cùng cơ sở tại chỗ và đồng chí đồng đội - từ cán bộ cao cấp đến đảng viên và quần chúng có quan hệ với ông - đều không ai bị lộ.
Ông Võ Trần Chí từng cho biết: "Công việc lúc bấy giờ hết sức khẩn trương và ráo riết. Anh Hai Sang lo sắp xếp lực lượng nội đô và chuẩn bị vào trong. Tôi thì lo củng cố cơ quan, điều động các lực lượng vũ trang và triển khai kế hoạch cho các huyện bên ngoài của phân khu (vùng ven)… Sau cao điểm đợt 1, nghe tin anh Hai Sang từ nội thành trở ra (có lẽ để gặp tôi và các đồng chí quân sự), đến Hóc Môn thì bị địch bắt"…
"Anh Hai Sang - đồng chí Phan Văn Hân đã giữ trọn được khí tiết của người đảng viên cộng sản. Dĩ nhiên, tất cả đều vô cùng đau xót và quý trọng, xem đó là một tấm gương bất khuất cho bản thân mình" - ông Võ Trần Chí bày tỏ.
Ông Dương Văn Công, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nhà Bè - người cùng bị bắt đưa đến Tiểu khu Gia Định, kể lại lúc được gặp ông Hai Sang trong tù: "Lúc này bị địch tra tấn, sức khỏe đồng chí cố kiệt. Nhưng mỗi sáng đồng chí cố gắng đi ra chỗ trạm y tế địch để gặp cán bộ dưới quyền chỉ huy của mình đã bị thương, bị bắt, động viên dặn dò họ giữ cho được khí tiết để giảm đến mức thấp nhất, không khai những điều bí mật cho địch biết".
Công nhân - chiến sĩ
Ông Bảy Hậu, chồng bà Tuyết Xuân, cũng dành hết tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông là người gắn với lịch sử Báo Công Nhân Giải Phóng - tiền thân của Báo Người Lao Động.
Sinh năm 1946, quê cha Bình Dương, quê mẹ Long An, từ 16 tuổi, ông Bảy Hậu đã thoát ly theo cách mạng. Từ đội viên măng non Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ông được điều về Ban Công vận Khu ủy; học nhiều khóa đào tạo về quân sự, kỹ thuật, gồm cả kỹ thuật in khắc chữ chì, khắc dấu…
Năm 1965, cấp trên quyết định in Báo Công Nhân Giải Phóng để phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ban Biên tập là ông Trần Văn Kiểu, Phó Ban Công vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; ông Đinh Khắc Cần, cán bộ Ban Công vận (sau năm 1975 làm Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM); ông Bảy Hậu và một số anh em được điều động làm công nhân kỹ thuật in báo bên cạnh việc in một số tài liệu của khu ủy.
Lúc này, khu ủy đã có xưởng in nhỏ đặt tại xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Ông Bảy Hậu đã khắc manchette Báo Công Nhân Giải Phóng bằng gỗ cây lồng mứt, in ra rất đẹp và trang trọng. Báo in ra được đưa vào nội thành theo đường giao liên công khai.
Thời đó, các ông vừa là công nhân vừa là chiến sĩ. Ông Bảy Hậu kể hễ địch đi càn là các ông xách súng ra chiến đấu, qua trận càn thì gài lại bom mìn hoặc đánh bộc phá. Đến cuối năm 1965, địch càn quét gắt gao hơn nên xưởng in phải dời qua Thủ Dầu Một rồi về Trảng Bàng. Năm 1966, xưởng in bị địch ném bom B52 phá tan nên việc in báo tạm ngưng.
Khi ông Đinh Khắc Cần vào nội thành Sài Gòn hoạt động bí mật, Báo Công Nhân Giải Phóng tiếp tục được in tại nhà ông. Khi ông bị địch bắt đưa ra Côn Đảo, việc in báo mới dừng lại. Sau năm 1975, Báo Công Nhân Giải Phóng - Người Lao Động tiếp tục phát triển đến hôm nay…
Ông Bảy Hậu sau năm 1975 chuyển qua ngành công an và về hưu với hàm thượng tá. Dù nghỉ hưu song lúc sức khỏe cho phép, ông vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ địa phương. Gần đây, khi sức khỏe yếu đi, ông mới chịu ở nhà nghỉ dưỡng.
Hiện nay, tên của Anh hùng Phan Văn Hân được đặt cho một con đường ở khu vực Thị Nghè, quận Bình Thạnh và một trường tiểu học ở quận 3, TP HCM. Tại Đồng Tháp, tên ông được đặt cho một con đường ở TP Cao Lãnh.
TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng có một tuyến đường và một trường THCS mang tên khác của ông Hai Sang là Phan Thành Long.
Chẳng tiếc máu xương
Bà Phan Tuyết Xuân khi còn công tác ở LĐLĐ TP HCM có phong thái giản dị, dễ gần, luôn nhẹ nhàng với mọi người, dù ở văn phòng hay đi cơ sở.
Gia đình bà Tuyết Xuân một thời theo cách mạng, chẳng tiếc gì máu xương, sức lực. Bà thổ lộ khi buồn khổ hay gặp chuyện không vui, cứ nghĩ đến cha ông mình đã hy sinh, nghĩ đến những người ngã xuống cho đất nước có ngày hôm nay là lòng bà dịu lại. Đất nước ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, ấm no, hạnh phúc... là niềm mong ước của vợ chồng bà và những người của một thời hào hùng, gian khó.
NGUYỄN THIÊN DI