Điểm đặc biệt của các bức khắc đá tại Cheonjeon-ri (Hàn Quốc) là hình ảnh chạm khắc trải dài qua nhiều thời kỳ, từ cuối thời đồ đá mới đến thời thống nhất Silla. (Nguồn:: Cơ quan Di sản Hàn Quốc)
Hai cụm di chỉ chạm khắc đá thời tiền sử tại thành phố Ulsan, Hàn Quốc vừa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình bảo tồn những tư liệu thị giác cổ xưa về đời sống ven biển Đông Á.
Quyết định được đưa ra trong phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới, tổ chức tại Paris vào cuối tuần qua. Hai địa điểm được ghi danh là Bangudae Terrace và Cheonjeon-ra. Cả hai đều là bảo vật quốc gia của Hàn Quốc, nằm dọc theo dòng suối Bangucheon.
Phát hiện từ năm 1971, các bức chạm khắc đá tại Bangudae trải rộng trên mặt vách đá cao 3 mét, dài 10 mét, với tổng cộng 312 hình khắc. Những hình ảnh này bao gồm con người, động vật trên cạn và dưới nước, thuyền bè và công cụ - phác họa đời sống ven biển thời kỳ đồ đá mới. Nổi bật nhất là các hình cá voi được khắc họa tinh xảo, khiến di chỉ này trở thành minh chứng cổ xưa nhất về hoạt động săn cá voi trong lịch sử nhân loại.
Các bức khắc đá tại Bangudae Terrace, nằm dọc theo suối Bangucheon ở Ulsan. (Nguồn: Cơ quan Di sản Hàn Quốc)
Cách đó khoảng 2 km, khu chạm khắc Cheonjeon-ri - được phát hiện vào năm 1970 - thể hiện sự đa dạng và lớp lang thời gian đáng kinh ngạc. Các hình khắc ở đây kết hợp giữa hình người và động vật thời đồ đá mới, họa tiết hình học thời đồ đồng, nét khắc tinh tế từ thời đồ sắt, đến chữ viết từ thời Tam Quốc kéo dài đến thời thống nhất Silla (18 TCN - 935 SCN).
Tuy nhiên, cả hai địa điểm đều đối mặt với nguy cơ bị hư hại do ngập nước. Đập Sayeon, được xây dựng năm 1965, khiến mực nước suối Bangucheon dao động, dẫn đến tình trạng các vách đá bị ngập trung bình 42 ngày mỗi năm - có năm lên đến 5 - 6 tháng. Ngoài nước lũ, các mảnh vụn và bùn đất trôi xuống còn làm xói mòn thêm bề mặt đá.
Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất lắp đặt thêm cửa xả tại đập nhằm giảm đáng kể thời gian ngập, với mục tiêu lý tưởng là chỉ một ngày mỗi năm. Dự án có thể được triển khai từ năm sau và hoàn thành vào khoảng năm 2030.
Các bức chạm khắc đá tại Bangudae Terrace ghi lại 312 hình ảnh khác nhau, từ con người, động vật đến công cụ. (Nguồn: Cơ quan Di sản Hàn Quốc)
Ông Choi Eung-chon, Giám đốc Cơ quan Di sản Hàn Quốc, chia sẻ: “Đã hơn 50 năm kể từ khi những khắc họa này lần đầu được phát hiện, nhưng hành trình đến với UNESCO chưa bao giờ dễ dàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để gìn giữ và lan tỏa giá trị của di sản này như một phần di sản của toàn nhân loại”.
Với sự kiện này, Hàn Quốc hiện có 17 Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Việc ghi danh Bangudae và Cheonjeon-ri một lần nữa khẳng định chiều sâu lịch sử - văn hóa của xứ sở kim chi.
(theo Korea Times)
Kha Ninh