Khắc khoải nhà rường cổ

Khắc khoải nhà rường cổ
6 giờ trướcBài gốc
Nhưng trong tiếng vỗ về của sóng nước, ký ức đang mòn theo rêu phong khi việc bảo tồn ngày càng khó
Ở vùng đất ven bờ Nam sông Gianh, đoạn chảy qua các xã Quảng Hòa, Quảng Hải, Quảng Lộc… thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có những ngôi nhà cổ. Bảo tồn những ngôi nhà ấy không chỉ là giữ một căn nhà, mà là giữ lại ký ức làng quê, giữ bản sắc của một vùng đất từng là ranh giới Bắc - Nam.
Bảo tàng sống
Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi về xã Quảng Hòa - nơi được ví như "bảo tàng sống" của những ngôi nhà rường cổ ven sông Gianh.
Đường làng không rộng, chỉ vừa đủ cho 2 chiếc xe máy tránh nhau nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, yên bình. Qua những lối rẽ ngoằn ngoèo, từng nếp nhà rường thấp thoáng hiện ra. Mái ngói phủ đầy rêu xanh, những bức tường gỗ lim nâu sậm như ký ức sống động của thời xưa in dấu.
"Ngày xưa, nhà mô mà có được căn nhà rường cổ như ri phải thuộc hàng khá giả. Phải là quan lại, địa chủ mới xây nổi, chớ dân thường thì chỉ che tạm mái tranh, tường đất mà sống qua ngày" - ông Nguyễn Chính Trực, cán bộ văn hóa xã Quảng Hóa, vừa nói vừa đưa chúng tôi len lỏi qua những lối nhỏ trong thôn Cao Cựu.
Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà của cụ bà Nguyễn Thị Luyên. Cụ đã ngoài 80 tuổi, dáng cao gầy, giọng đặc sệt Quảng Bình. Trong không gian ngôi nhà thoảng mùi gỗ cũ, bà Luyên vừa rót chén chè xanh mời khách vừa thong thả kể chuyện đời, như đang khơi dậy một trường đoạn sử thi làng quê.
"Nhà ni là ông nội chồng tôi mua lại từ trước cách mạng. Gỗ lim, gỗ táu thì đưa từ vùng thượng nguồn ở Minh Hóa về bằng thuyền. Gạch thì nung bên làng, làm từ đất trộn với phù sa sông Gianh, rồi thêm rơm rạ cho chắc. Tui nghe kể làm xong cái nhà ni mất cả mấy tháng trời. Nhiều người thay phiên nhau dựng, hè thì làm ban ngày, đông tới thì làm ban đêm, vì ban ngày mưa lạnh chịu không thấu" - bà Luyên chậm rãi kể.
Ngôi nhà được dựng theo lối "tiền đường - hậu cung", ba gian, hai chái, khung gỗ chạm trổ tinh xảo. Những đường nét Long - Ly - Quy - Phượng vẫn còn rõ, dù lớp gỗ đã bạc màu. Đòn tay, vì kèo lớn bằng cả vòng tay người ôm, bám đầy bụi thời gian nhưng chưa hề xiêu vẹo. Đặc biệt, phía trên bàn thờ có bức hoành phi 3 chữ Hán được chạm khắc tinh xảo, nội dung đại ý là lấy phép tắc để giữ sự hòa thuận trong dòng tộc, gia đình dựa trên nền tảng khuôn phép, đạo lý của tổ tiên.
Bà Luyên bấm tay, rồi tính nhà này ngót nghét cũng hơn 150 năm rồi. Mỗi dịp giỗ, Tết, con cháu lại từ khắp nơi trở về. Gian giữa luôn nghi ngút khói hương, còn hai bên là nơi quây quần trò chuyện, dùng bữa cơm đoàn viên.
"Mỗi cây cột, viên gạch ở đây đều thấm đẫm nước mắt, mồ hôi và công sức của ông bà. Cách đây 2 năm, có người tới trả 500 triệu đồng, bảo bán đi rồi xây cất cái nhà kiên cố mà ở cho tiện. Nhưng nhà ni là hồn cốt cha ông, mô mà bán được rứa" - bà Luyên cười, mắt rưng rưng.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi) đang sống trong ngôi nhà cổ do cha bà - ông Nguyễn Xuân Trịnh - để lại. Căn nhà được mua lại từ năm 1954 với giá 120 đồng Đông Dương - một con số không nhỏ vào thời ấy.
Bà Hồng kể ngày đó mua được nhà gỗ như ri là quý lắm. Nhà này nay phải hơn 120 năm tuổi. Không chỉ đơn thuần là chốn cư ngụ, kiểu cách nhà rường xưa, mà còn là nơi gìn giữ gia phong, thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Ở đây, nhiều ngôi nhà như thế đã chứng kiến 3 - 4 đời người sinh ra, lớn lên rồi khuất bóng.
Tường nhà bà Hồng được trét bằng vôi vữa, nay ngả màu thời gian. Bên trong, gỗ sến, gỗ gõ và nhiều loại gỗ quý đan cài thành hệ khung bền vững. Vật dụng trong nhà phần lớn vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu với rương gỗ mít sẫm màu, bàn thờ cẩn xà cừ, gian nhà chính bày biện những đường nét chạm trổ tinh xảo. Trên bức tường xám cũ treo vài tấm ảnh đen trắng lấm bụi thời gian, chứa đầy ký ức.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hồng với khoảng 120 năm tuổi
Lưu giữ ký ức
Với những người đã gắn bó cả đời bên dòng sông Gianh, những ngôi nhà cổ không chỉ là để ở mà còn là chứng nhân lịch sử lưu giữ bao ký ức.
Thế nhưng, trong guồng quay của thời đại mới, không phải ai cũng có điều kiện tu bổ ngôi nhà cổ của gia đình. Nhà xuống cấp, con cháu đi xa, nhiều gia đình buộc phải bán đi ngôi nhà rường từng là niềm tự hào. Mỗi căn nhà mất đi là một khoảng trống để lại trong lòng người ở lại - đầy tiếc nuối, xót xa…
Ông Nguyễn Văn Cúc - nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, người từng gắn bó với một ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở thôn Cao Cựu, nay đã trở thành một phần ký ức của gia đình ông.
Ngôi nhà này được tổ tiên ông mua lại vào năm 1937, từ con cháu của vị quan Hoàng Kế Viêm (1820 - 1909) - một danh thần nổi tiếng thời nhà Nguyễn, quê ở huyện Quảng Ninh.
Trong ký ức của ông Nguyễn Chính Trực (cháu ông Cúc) thì đây là ngôi nhà cổ đẹp nhất vùng khi đó. Những họa tiết rồng phượng, hoa cúc, chữ Hán chạm trổ tinh xảo trên vì kèo, xà ngang không chỉ mang vẻ đẹp nghệ thuật mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Chính giữa ngôi nhà, treo 3 chữ "Lạc Thiện Đường" - nghĩa là nơi an lạc dành cho những người có tâm thiện.
Giọng ông Trực đầy nuối tiếc khi chỉ tay về phía nền đất trống - nơi ngôi nhà cổ từng tọa lạc. "Bốn năm trước, do nhà xuống cấp, ông Cúc đã bán cho một người ở Nha Trang (Khánh Hòa) với giá 250 triệu đồng. Trước đó, có người từng trả gấp đôi, gấp ba như thế nhưng ông không bán. Sau đó nhà bị mối mọt, gạch ngói xuống cấp, nên ông mới bán. Lạ thay, khi bán nhà xong, cây khế trồng bên nhà có tuổi đời hàng trăm năm cũng chết khô. Thế mới bảo nhà cổ có hồn" - ông Trực nhớ lại.
Ở thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa từng có một căn nhà gỗ lim nổi tiếng với tuổi đời gần 300 năm, là nơi trú ẩn cho cả làng trong trận lụt lịch sử đã gần 40 năm. Ông Trực nhớ lúc đó nước sông lên cao, già trẻ trong làng đều kéo vào đây trú ẩn. Ngôi nhà như một pháo đài, mưa gió thế nào cũng không lay chuyển. Thế nhưng, ngôi nhà ấy nay đã trở thành quá khứ, bị tháo dỡ, thay thế bằng một căn nhà bê-tông 2 tầng. "Con cháu lớn rồi, không thể ở theo kiểu cũ được nữa. Cũng tiếc, nhưng lực bất tòng tâm" - ông Trực ngậm ngùi.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Quảng Hòa, hiện toàn xã chỉ còn chưa đến 20 căn nhà cổ, phần lớn có tuổi đời từ 80 đến hơn 200 năm. Nhiều căn trong số đó vẫn giữ được hoành phi, câu đối, rương gỗ mít và các đồ thờ tự quý giá. Thế nhưng, nếu so với 10 năm trước, khi nơi đây còn lưu giữ gần 200 ngôi nhà rường cổ nằm rải rác thì con số ấy thật sự nghe mà không khỏi chạnh lòng.
Ông Nguyễn Chính Trực bên ngôi nhà rường cổ
Ngôi nhà cổ của bà Nguyễn Thị Luyên đã trên 150 tuổi
Cần cả tấm lòng
Giữa nhịp sống hiện đại ngày càng lan rộng, những ngôi nhà cổ ven sông Gianh dần trở nên lạc thời. Người trẻ đi học, đi làm xa quê. Người già thì yếu, không đủ sức trông nom. Nhiều căn nhà bị bỏ hoang, hư hỏng theo năm tháng. Những mái ngói rêu phong chỉ còn biết âm thầm chịu đựng nắng mưa, dột nát trong lặng lẽ.
Theo lời nhiều chủ nhân nhà cổ, mỗi mùa lũ về, nhìn nước dâng lên từng bậc thềm rồi ngập cả nóc nhà, họ như đứt từng khúc ruột. Ai cũng muốn giữ để nối dài gốc rễ tổ tiên nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. Việc nâng nền, sửa mái, chống mối mọt... tốn kém vượt quá khả năng của nhiều hộ gia đình, nhất là những người lớn tuổi, sống nhờ lương hưu hay làm nông.
Ông Đặng Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, thở dài: "Đây là báu vật ông cha để lại. Nhưng nhà thì nhỏ, chật lại không có điều kiện để sửa sang nên nhiều người đành bán hoặc xây nhà mới. Xã đã lập danh sách các ngôi nhà cổ còn sót lại để báo cáo thị xã. Nhưng để giữ được, phải có chính sách hỗ trợ cụ thể".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn - cho biết toàn thị xã hiện chỉ còn hơn 200 ngôi nhà cổ giữ được nguyên bản, chủ yếu nằm ở các xã Quảng Hòa, Quảng Hải, Quảng Lộc... Phần lớn có tuổi đời từ 80 năm trở lên. Những căn trên 150 năm tuổi nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
"Lớp già thì còn thương, còn giữ, chứ lớp trẻ chuộng nhà mới. Muốn bảo tồn nhà cổ, giờ là chuyện vừa cần tiền vừa cần cả tấm lòng" - ông Tình nói.
Nên có phương án bảo tồn
Một số nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Bình đã nhiều lần đề nghị ngành văn hóa địa phương có chính sách hỗ trợ, phương án bảo tồn nhà cổ phù hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế cụ thể nào.
Ông Trần Hữu Danh, nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Bình, cho rằng: "Cái quý không chỉ là nhà gỗ, mà là nếp sống, là tinh thần tộc họ, là mối dây gắn bó cộng đồng trong những ngôi nhà ấy. Cần có sự vào cuộc khẩn trương hơn từ chính quyền, nếu không muốn mai này những ngôi nhà cổ này mai một".
Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/khac-khoai-nha-ruong-co-196250503202923298.htm