Bệnh hình thức làm giảm chất lượng giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở
Một trong những yếu tố làm giảm chất lượng giáo dục chính trị ở đơn vị đó là việc tổ chức hình thức. Biểu hiện không khó để nhận ra: Tổ chức học tập chính trị theo kiểu đối phó, thiếu chiều sâu. Cán bộ giảng dạy theo lối mòn, sao chép giáo án, đọc - chép máy móc. Chiến sĩ nghe thụ động, ít trao đổi, thiếu hứng thú, không chuyển hóa được nội dung học thành định hướng tư tưởng và hành động. Tình trạng “học để đủ giờ, thi để có điểm, tổng hợp để báo cáo” vẫn còn tồn tại ở nhiều đơn vị. Các hình thức sinh hoạt chính trị, tư tưởng, diễn đàn, tọa đàm, hội thi tuy tổ chức đều đặn nhưng rập khuôn, nội dung, phương pháp nghèo nàn, thiếu sức sống, chiến sĩ không nắm được trọng tâm, thậm chí không hiểu mục đích để làm gì.
Hệ lụy khó lường khi bệnh hình thức làm giảm chất lượng công tác giáo dục chính trị. Thay vì hướng tới chuyển hóa nhận thức, rèn luyện bản lĩnh, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn, nhiều hoạt động lại thiên về biểu diễn, sao chép, tổng hợp báo cáo. Tính chiến đấu trong tuyên truyền, tính phản biện trong diễn đàn, tính dẫn dắt trong sinh hoạt tư tưởng bị đánh đổi lấy sự dễ làm, dễ kiểm tra và dễ hoàn thành kế hoạch. Những hình thức vốn được thiết kế để khơi dậy ý chí, khẳng định lý tưởng và củng cố lập trường, khi bị “rút ruột” bởi lối làm hình thức sẽ không còn tạo ra chuyển biến tư tưởng thực chất. Các hoạt động có thể vẫn đông đủ nhưng thiếu sức lan tỏa, không chạm đến chiều sâu nhận thức, không làm thức tỉnh niềm tin cách mạng trong mỗi quân nhân.
Và cũng chính từ đó, khoảng trống tư tưởng dần xuất hiện. Khi không còn được dẫn dắt bằng nội dung chính trị đúng đắn, không còn được bảo vệ bằng hệ thống giáo dục chính trị thực chất, cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng trẻ sẽ dễ bị lôi kéo, dao động trước các luồng thông tin sai trái, phản động.
Khắc phục bệnh hình thức trong công tác giáo dục chính trị
Khắc phục bệnh hình thức trong công tác giáo dục chính trị trước hết phải bắt đầu từ nhận thức đúng đắn, đầy đủ của các tổ chức, lực lượng, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp. Đây là trách nhiệm chính trị, không phải công việc mang tính thủ tục trong tổ chức hoạt động thường ngày. Khi cấp ủy, chỉ huy và cán bộ chính trị xem nhẹ công tác giáo dục chính trị, tổ chức mang tính hình thức, kiểm tra qua loa, chấp nhận làm cho xong để đủ báo cáo, thì cũng chính là lúc những biểu hiện lệch lạc bắt đầu len lỏi.
Tiến hành đa dạng các hình thức trong giáo dục chính trị tạo sức hút đối với bộ đội. Ảnh: LÂM NGỌC
Cần phải tích cực đổi mới về nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức các hoạt động công tác giáo dục chính trị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ và đối tượng. Giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở không chỉ dừng ở học tập chính trị mà còn bao gồm nhiều hình thức khác. Vì vậy, việc đổi mới phải đồng bộ trên các mặt, không thể chỉ tập trung vào một hình thức cụ thể. Nội dung cần được lựa chọn sát thực tế, bám sát nhiệm vụ chính trị, không rập khuôn, chung chung mà phải có chiều sâu, tính định hướng rõ ràng và gắn với bối cảnh đơn vị. Phương pháp không nên thiên về truyền đạt một chiều mà phải tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ được trao đổi, thảo luận, qua đó nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ mình trước các quan điểm sai trái. Hình thức tổ chức phải gọn, linh hoạt nhưng sinh động, phù hợp tâm lý bộ đội, phát huy tốt vai trò của người học thay vì chỉ chú trọng hình thức bề ngoài.
Kiểm tra, đánh giá khách quan, nghiêm túc là khâu quan trọng để nhận diện đúng thực trạng, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện hình thức trong tổ chức và thực hiện công tác giáo dục chính trị. Không thể đánh giá hiệu quả công tác giáo dục chính trị chỉ qua số liệu báo cáo hay kết quả bài kiểm tra. Những con số nếu không phản ánh đúng bản chất sẽ dễ trở thành “tấm bình phong” che lấp những yếu kém trong cách làm. Muốn khắc phục điều đó, cần áp dụng các hình thức kiểm tra linh hoạt, thiết thực như khảo sát nhanh, phỏng vấn trực tiếp, lồng ghép trong huấn luyện và sinh hoạt hằng ngày. Quan trọng hơn, phải coi sự chuyển biến về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ, chiến sĩ là tiêu chí đánh giá chính.
Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, nhất là chính ủy, chính trị viên, bí thư cấp ủy và người chỉ huy các cấp là yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở. Cán bộ trực tiếp làm công tác này phải thực sự tâm huyết, có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp phù hợp, biết gắn lý luận với nhiệm vụ chính trị, kết nối nội dung giáo dục với tâm tư, trách nhiệm của quân nhân. Sự mẫu mực và tinh thần trách nhiệm trong từng giờ học, buổi sinh hoạt chính trị, tư tưởng là yếu tố quan trọng tạo dựng niềm tin và tác động tích cực đến nhận thức của bộ đội. Không thể khắc phục bệnh hình thức nếu cán bộ còn làm việc đối phó, theo lối mòn, nói không đi đôi với làm. Mọi nỗ lực đổi mới chỉ mang lại kết quả khi bắt đầu từ sự tự giác, gương mẫu và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp.
Khuyến khích sáng tạo, phát hiện và nhân rộng mô hình hiệu quả là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới công tác giáo dục chính trị ngay từ đơn vị cơ sở. Chống bệnh hình thức không có nghĩa là ép buộc các đơn vị làm theo một khuôn mẫu cứng nhắc, mà cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức và thực hiện. Những mô hình mới, cách làm thiết thực phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng đơn vị cần được kịp thời phát hiện, ghi nhận, cổ vũ và nhân rộng. Cùng với đó, cấp trên cần có cơ chế thi đua, khen thưởng, tuyên truyền điển hình một cách thiết thực, hiệu quả, tạo môi trường thi đua lành mạnh, góp phần khắc phục tư tưởng làm cho đủ, làm lấy lệ, hướng tới thực chất, hiệu quả và bền vững.
Khắc phục bệnh hình thức trong công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài, mang ý nghĩa chiến lược. Để thực hiện hiệu quả, cần bắt đầu từ nhận thức đúng, tổ chức nghiêm túc, triển khai đồng bộ, hành động cụ thể và đánh giá khách quan, qua đó từng bước đưa công tác giáo dục chính trị đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
QUÝ ĐÔN