Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (dự án 1 luật sửa 7 luật), nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến các nội dung về chứng khoán. Theo đó, các đại biểu cho rằng cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự minh bạch, an toàn cho thị trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Luật Chứng khoán 2019 đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu đề ra của thị trường. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi các quy định của luật, đặc biệt là trong nội dung về những hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Đồng thời, đại biểu nhất trí những quy định để hoàn chỉnh hơn việc quản lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhận định, việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán là rất cần thiết. Thực chất chủ trương về nâng hạng thị trường chứng khoán được Nhà nước quan tâm và đã triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên với thực tế hiện nay thì cần chỉnh sửa một số quy định để có thể thực hiện được chủ trương này, nhất là trong bối cảnh đất nước đang cần huy động nhiều vốn cho những dự án quan trọng quốc gia sắp tới, cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh. Đại biểu cũng lưu ý, trong nội dung này, chúng ta phải quan tâm về vấn đề đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) với 2 ý sau: Một là, phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. Hai là, cần có các cơ chế, trong đó đặc biệt là quản lý rủi ro và quản trị rủi ro.
Về quản trị rủi ro, đại biểu phân tích, có thể hiểu trước đây yêu cầu là có tiền ký quỹ đặt trước khi giao dịch, để đến khi đặt lệnh giao dịch thành công thì sẽ có tiền để đảm bảo thanh toán được hoàn thành, hoàn chỉnh và không có rủi ro. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn chung của quốc tế khi nâng hạng sẽ có một yêu cầu DVP (delivery versus payment), nghĩa là khi giao hàng thì phải giao tiền đồng thời một lúc để tránh việc nộp giữ tiền quá lâu. CCP cũng có thể giải quyết được vấn đề đó, về bản chất đó là bên mua của nhiều bên bán và bên bán của nhiều bên mua.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu
Đại biểu chỉ ra thực tế, khi nhà đầu tư đã thực hiện đặt lệnh giao dịch, vẫn có rủi ro thanh toán khi trên thị trường chứng khoán của Việt Nam nói riêng cũng như thị trường chứng khoán quốc tế nói chung xảy ra những sự kiện đặc biệt. Tại thời điểm đó, có thể giảm tới 60-70 điểm trong một thời gian dài. Ví dụ tiêu biểu là khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997 hay khủng hoảng COVID-19 năm 2020, đây là một trong những trường hợp sẽ có rủi ro. Vậy chúng ta cần phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng trong tình huống này. Lúc này các nhà đầu tư đã đặt lệnh giao dịch thì nghĩa vụ thanh toán sẽ thuộc về CCP. Khi đó sẽ có khối lượng tiền khá lớn và khả năng họ không hoàn thành thực hiện giao dịch cũng có thể xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra tính toán, cân nhắc kỹ vấn đề này.
Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm thì hệ thống CCP phải phù hợp chung với thiết kế hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam. Đồng thời, Luật Chứng khoán cũng đã nêu: Khi thực hiện những nghiệp vụ về bảo lãnh phát hành chứng khoán hay môi giới chứng khoán, phân phối chứng chỉ quỹ thì hệ thống ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại những công ty con hoặc công ty liên kết để thực hiện chức năng này. Do đó, nội dung về cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm với vai trò là thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở là vấn đề tính chất kỹ thuật cao, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đại biểu cũng chỉ rõ, thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương, những vấn đề chưa rõ, chưa chín thì cần phải có nghiên cứu tổng kết thực tiễn, có thể thực hiện thí điểm khi các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Hiện chúng ta có 4 ngân hàng nước ngoài đó là HSBC, Standard Chartered Bank, Citibank, Deutsche Bank. Về vấn đề chế đối tác bù trừ trung tâm này, có 2 ngân hàng tán thành, còn 2 ngân hàng yêu cầu phân tích, làm rõ thêm. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng cơ chế CCP phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu tham gia thảo luận
Cùng tham gia góp ý một số nội dung về sửa đổi Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu quan tâm đến vấn đề sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 của Luật Chứng khoán. Trong khoản này, Chính phủ đề xuất hồ sơ chào bán ra công chúng thì cần phải có báo cáo vốn điều lệ đã góp trong thời gian 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập. Đại biểu không đồng tình đề xuất này vì lý do quy định này có thể phát sinh thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn trong trường hợp doanh nghiệp có lịch sử hình thành lâu dài, v.v. hoặc có thể bỏ sót hàng hóa tốt trên thị trường chứng khoán.
Đại biểu cho rằng những nội dung này cần phải rà soát rất kỹ lưỡng, bởi vì việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến
Tham gia thảo luận về nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ, về giảm vốn điều lệ khi mua cổ phiếu của người lao động, khoản 5, khoản 6 Điều 36 Luật Chứng khoán hiện hành quy định về việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình thì phải giảm vốn điều lệ. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp mua lại cổ phiếu của người lao động trong doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy quy định này phát sinh nhiều thủ tục và gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Cụ thể:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thường có chủ trương phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Đồng thời, theo thông lệ những cổ phiếu này sẽ được doanh nghiệp mua lại trong một số trường hợp như người lao động nghỉ việc trước thời hạn hoặc vi phạm quy chế phát hành. Như vậy, việc mua lại cổ phiếu của người lao động là ngoài ý muốn của doanh nghiệp, nhưng khi mua lại cổ phiếu để bảo đảm công bằng cho người lao động và bảo đảm phù hợp với quy định thì doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ- trong khi doanh nghiệp không có chủ trương này.
Thứ hai, do phải thực hiện giảm vốn điều lệ sau khi thực hiện việc mua lại cổ phiếu của người lao động, doanh nghiệp phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên để được thông qua việc giảm vốn điều lệ. Đồng thời, phải làm các thủ tục giảm vốn điều lệ như ghi giảm vốn điều lệ trong báo cáo tài chính, thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thậm chí có trường hợp làm cho tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng vượt quá mức cho phép.
Thứ ba, đối với cơ quan quản lý, giám sát thì phải có trách nhiệm cấp lại giấy đăng ký doanh nghiệp, phải giám sát việc mua cổ phiếu, giảm vốn điều lệ, đảm bảo tuân thủ quy định và được đại hội đồng thông qua. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cắt giảm các thủ tục, chi phí tuân thủ không cần thiết theo đúng chủ trương cải cách hành chính. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 36 của Luật Chứng khoán theo hướng không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu của người lao động trong doanh nghiệp.
Hồ Hương