Khắc phục tình trạng 'nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị' trong một bộ phận thanh niên

Khắc phục tình trạng 'nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị' trong một bộ phận thanh niên
3 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh buổi hội thảo.
Tại hội thảo, đồng chí Bùi Hoàng Tùng, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư đoàn Đoàn khối các cơ quan Trung ương cho biết, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những đóng góp to lớn của thanh niên, vẫn còn một bộ phận bạn trẻ giảm sút lý tưởng, niềm tin; rơi vào tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.
Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận thanh niên có xu hướng ích kỷ, cá nhân hóa. Họ chú trọng đến việc phát triển sự nghiệp, kiếm tiền và thỏa mãn các nhu cầu cá nhân hơn là tham gia hoạt động xã hội chính trị.
Nhiều thanh niên có biểu hiện thờ ơ với các vấn đề chính trị quan trọng của đất nước, không coi đó là những điều có liên quan và ảnh hưởng bản thân và gia đình mình. Họ ít theo dõi chính trị, không tham gia vào các cuộc thảo luận về chính sách, đường lối phát triển, và thậm chí không biết đến các sự kiện chính trị của đất nước.
Sinh viên Lê Nguyễn Thảo Phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, bệnh lười học lý luận trong sinh viên cũng là một biểu hiện trong xa rời chính trị. Bệnh lười học tập lý luận chính trị không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mỗi sinh viên mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với Đảng, Đoàn thậm chí là toàn xã hội. Thờ ơ, lười học lý luận chính trị sẽ làm suy yếu ý thức về trách nhiệm công dân của sinh viên-thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Trước tiên, xa rời lý luận chính trị khiến sinh viên dễ bị cuốn vào các lối sống thực dụng, ích kỷ và thiếu tinh thần tập thể. Khi thiếu sự gắn bó với lý tưởng và các giá trị chính trị nền tảng, sinh viên dễ dàng rơi vào tình trạng sống vì bản thân, thiếu sự quan tâm đến các vấn đề cộng đồng, xã hội. Điều này không chỉ làm suy giảm tinh thần đoàn kết, mà còn khiến giới trẻ ngày càng xa cách với các mục tiêu và lý tưởng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xa rời lý luận chính trị còn khiến sinh viên trở nên thờ ơ, hạn chế thậm chí là mất đi lòng tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đất nước.
Khi không còn gắn bó với lịch sử, truyền thống và những giá trị cốt lõi của dân tộc, sinh viên dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai, mất đi bản sắc dân tộc.
Đây là mối nguy cho sự phát triển bền vững của xã hội, bởi thế hệ trẻ chính là trụ cột, là người tiếp bước xây dựng và bảo vệ đất nước.
Để đoàn viên, thanh niên sớm có ý thức chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn, đồng chí Lương Quang Huy, Bí thư Đoàn Học viện chính trị Khu vực II cho rằng, cần coi trọng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng thông qua tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống thanh niên; xây dựng thế hệ trẻ thời đại mới sống có lý tưởng, khát vọng, niềm tin và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Lương Quang Huy cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; khơi dậy những giá trị nhân văn trong thanh niên, chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp thanh niên, các phương thức nắm bắt tình hình; chủ động cung cấp thông tin, kịp thời định hướng dư luận đúng đắn cho đoàn viên, thanh niên nhằm ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bên cạnh đó là tăng cường tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường giúp thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, phát huy trí tuệ, tinh thần tiên phong của thanh niên trong đề xuất các ý tưởng, sáng kiến trong tham mưu hoạch định chính sách, triển khai thực hiện thể chế; tham gia nghiên cứu khoa học, cải cách hành chính, thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Tổ chức các chương trình đồng hành với thanh niên. Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên có cơ hội trong học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, tập trung vào những nhu cầu thiết thân, chính đáng. Chú trọng nâng cao năng lực số, năng lực sử dụng ngoại ngữ để đoàn viên, thanh niên chủ động tham gia, nắm bắt và tận dụng tối đa cơ hội của chuyển đổi số tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Điển, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện chính trị Khu vực II cũng cho rằng, cần đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt Đoàn theo hướng mở, khuyến khích sự tham gia đóng góp ý kiến của các đoàn viên. Thay vì tập trung vào các báo cáo chính trị “khô khan”, nên lồng ghép những hoạt động giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sống, phát triển kỹ năng, đồng thời tạo môi trường để thanh niên được thực sự bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình.
Ví như, xây dựng chương trình rèn luyện, phấn đấu thành “Công dân toàn cầu 4.0” tham gia thị trường lao động quốc tế. Mục tiêu chính của chương trình là giúp thanh niên hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình hội nhập toàn cầu, đồng thời trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Chương trình bao gồm các hoạt động cụ thể như tổ chức các chương trình giao lưu quốc tế, tham gia hội thảo và diễn đàn thanh niên quốc tế, nhằm mở rộng tầm nhìn và tạo cơ hội học hỏi cho thanh niên. Ngoài ra, các khóa học về ngoại ngữ và kỹ năng mềm cũng sẽ được đưa vào để giúp thanh niên chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập. Đồng thời, phong trào "Thanh niên 4.0" sẽ được phát động, tập trung vào phát triển các kỹ năng số và tư duy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Những hoạt động này không chỉ tạo động lực cho thanh niên tham gia hoạt động Đoàn và nhiệm vụ chính trị, mà còn giúp họ thấy được giá trị thực tiễn của việc tham gia đời sống chính trị, từ đó cống hiến và gắn bó lâu dài với Đoàn.
Tùng Quang
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/khac-phuc-tinh-trang-nhat-dang-kho-doan-xa-roi-chinh-tri-trong-mot-bo-phan-thanh-nien-post843841.html