Đã từ lâu, ngày 19/5 không chỉ là cột mốc lịch sử ghi nhớ sự ra đời của Người, mà còn là dịp thiêng liêng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tưởng niệm, tri ân một cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho đất nước, cho lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH.
Đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh viếng Nhà thờ Bác Hồ. Ảnh: HIẾU VY
Luôn khắc sâu ơn Người
Đến với Nhà thờ Bác nhân dịp này, từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi thành viên trong đoàn đều khắc sâu hình ảnh về vị Cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đã in đậm dấu ấn vào mỗi trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Từ Làng Sen quê nhà, từ Bến Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, tìm ra con đường giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(*). Đầu tiên là Người sang Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc…, kể cả các nước thuộc địa, bôn ba khắp năm châu bốn bể suốt 30 năm rồi trở về Tổ quốc dẫn dắt cách mạng thành công. 79 mùa xuân, Bác đã sống một cuộc đời phi thường nhưng giản dị, khiêm tốn và đầy trí tuệ. Sự nghiệp cách mạng của Người là bản hùng ca vĩ đại, soi sáng con đường đi lên của dân tộc ta trong suốt thế kỷ XX và lan tỏa tới hôm nay và mai sau.
Sáng sớm tháng Năm, nắng trải trên những ngọn cây, thảm cỏ, vạt rừng... Con đường đến Nhà thờ Bác Hồ êm như dải lụa, uốn lượn giữa bạt ngàn đồi núi ngát xanh với những vườn cao su, cà phê, hồ tiêu, sắn, mía… nối tiếp nhau. Xe chạy bon bon, chẳng mấy chốc đã đến nơi.
Tọa lạc ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, không khí nơi Nhà thờ Bác Hồ hầu như quanh năm mát mẻ với cảnh quan nên thơ của cao nguyên Vân Hòa được ví như một “Đà Lạt của Phú Yên”.
Theo các vị cao niên, sau khi được tin Bác qua đời, trong niềm tiếc thương vô hạn, Tỉnh ủy đã tổ chức lễ truy điệu trang trọng vào ngày 9/9/1945 và lập nhà thờ vọng để tưởng nhớ, khắc ghi ơn Người. Ngôi nhà thờ Bác được dựng bằng tranh tre, nứa lá nằm ven rừng tại Dốc Đá, thôn Phước Hòa (nay là thôn Hòa Bình), xã Sơn Định, cách vùng địch chiếm đóng chỉ vài kilômet nhưng luôn được người dân bảo vệ, hương khói ấm cúng suốt những năm chiến tranh. Cán bộ của Trung ương, Quân khu 5... khi ngang qua đây đều đến thắp hương tưởng niệm, có khi ngủ qua đêm. Đến năm 2003, Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng lại tại vị trí cũ, trong khuôn viên rộng hơn 5.000m2, có nhà tiếp khách, nhà trưng bày… Một số cây xanh được giữ lại và trồng mới. Nhiều loại hoa và cây cảnh cũng đã được trồng trong khuôn viên khu di tích này. Trầm mặc với thời gian, Nhà thờ Bác Hồ hiện nay là kiến trúc giao thoa giữa mái ngói đỏ của đồng bào Kinh và hình ảnh nhà sàn đặc trưng của đồng bào Ê Đê, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng các nghệ sĩ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: HIẾU VY
Khơi nguồn cảm hứng sáng tác
Bằng tất cả tấm lòng thành kính, đoàn đã đặt vòng hoa, dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta.
Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật cho biết: Đi thực tế sáng tác là một trong những hoạt động thường niên được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh duy trì, nhằm tạo cơ hội cho văn nghệ sĩ tìm hiểu và có những trải nghiệm về đời sống, đặc trưng văn hóa - lịch sử, phong tục tập quán… của các địa phương, dân tộc.
Lần này, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh quyết định chọn Nhà thờ Bác Hồ là điểm đến để mở trại sáng tác với chủ đề “Cảm hứng tháng Năm”. Đây là dịp để văn nghệ sĩ tỉnh nhà tìm hiểu sâu sắc hơn về thân thế sự nghiệp vĩ đại của Người cũng như về sự ra đời của Nhà thờ Bác Hồ thuộc quần thể của Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ. Qua đó giúp văn nghệ sĩ có thêm chất liệu, khơi dậy cảm hứng sáng tác, tạo ra những tác phẩm có giá trị, phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác cũng là dịp để mọi người nói chung, văn nghệ sĩ Phú Yên nói riêng thắp sáng ngọn lửa niềm tin, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng cả trái tim và trí tuệ, vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, lập nên những kỳ tích mới trong kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc.
Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
“Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, Ngày sinh của Bác không chỉ là ngày kỷ niệm, mà là điểm tựa tinh thần, là lời hiệu triệu cho mọi hành động cao đẹp, cho sự vươn lên không ngừng của một dân tộc anh hùng, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc khẳng định.
Còn nghệ nhân Bình Thảng, Phó Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu tâm đắc: Nhà thờ Bác là một di tích lịch sử - văn hóa, một địa chỉ đỏ mà không phải tỉnh thành, địa phương nào cũng có. Trong những ngày tháng Năm vô cùng ý nghĩa này, được viếng thăm Nhà thờ Bác Hồ, là dịp để văn nghệ sĩ chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn vô bờ bến đối với Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị lãnh tụ hết sức giản dị nhưng vô cùng vĩ đại, không chỉ là nhà cách mạng, là nhà văn hóa, mà còn là linh hồn của tinh thần Việt Nam hiện đại. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cũng là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận đối với văn nghệ sĩ.
Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH huyện Sơn Hòa, từ sau khi di tích Nhà thờ Bác Hồ tại khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Phú Yên được khánh thành, nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ, một điểm văn hóa quen thuộc của các tầng lớp nhân dân. Nhiều hoạt động báo công, giáo dục truyền thống được các cấp, ngành, hội đoàn thể và các địa phương trong tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác hoặc vào dịp lễ lớn như Ngày thành lập Đảng 3/2, Ngày Giải phóng Phú Yên 1/4, Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12… Không chỉ người dân địa phương trong tỉnh mà đông đảo bà con nhân dân ở nhiều tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước cũng đã về đây dâng hương, tưởng niệm Bác Hồ kính yêu.
-----------------------
(*) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.112
HIẾU VY