Khách Bồ Đào Nha lần đầu đẽo gỗ, làm đồ thủ công ở TP.HCM

Khách Bồ Đào Nha lần đầu đẽo gỗ, làm đồ thủ công ở TP.HCM
6 giờ trướcBài gốc
Lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 2020 trong hành trình khám phá Đông Nam Á, tôi dự định ở lại đây trong một thời gian ngắn trước khi tiếp tục du ngoạn đến các quốc gia khác trong khu vực. Thế nhưng chỉ 5 ngày sau, biên giới đóng cửa vì đại dịch Covid-19, tôi lưu lại Việt Nam hàng tháng trời.
Kẹt lại ở một đất nước xa lạ trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tôi rất lo lắng, nhưng chính khoảng thời gian khó khăn ấy đã khiến tôi thêm yêu mến con người và đất nước Việt Nam.
Những ngày tháng đầu ở Việt Nam là chuỗi ngày khám phá và trải nghiệm. Tôi đi khắp nơi, chiêm ngưỡng phong cảnh, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam. Chính điều đó đã đưa tôi đến quyết định thử sống và làm việc ở TP.HCM.
Tôi là Thais Pimentel (25 tuổi), một du khách đến từ Bồ Đào Nha, hiện sinh sống tại TP.HCM với vai trò là giáo viên dạy tiếng Bồ Đào Nha trực tuyến. Thời gian qua, tôi thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha và thỉnh thoảng vẫn dành thời gian khám phá những vùng đất mới. Nhưng trong thời gian tới, tôi muốn dành nhiều thời gian ở Việt Nam hơn, bởi nơi này cho tôi cảm giác thân thuộc, như trở về "nhà".
Là một người đặc biệt yêu thích các sản phẩm sáng tạo và nghệ thuật, vào thời gian rảnh, tôi thường làm sổ lưu niệm và viết nhật ký hoặc chỉ đơn giản là nghe nhạc, thư giãn với những chương trình yêu thích. Tôi và bạn bè cũng thường hẹn nhau đi ăn uống, khám phá những nhà hàng mới.
Tuy nhiên, cuối tuần này tôi quyết định trải nghiệm một hoạt động hoàn toàn mới lạ và đầy tính nghệ thuật đó là workshop khắc gỗ tại Củi Lũ Concept (quận Tân Bình, TP.HCM).
Cũng như chính cái tên của workshop, "Củi Lũ" với chất liệu chính là các thanh củi, khúc gỗ thu nhặt được từ sau những cơn lũ khắc nghiệt ở miền Trung Việt Nam. Workshop diễn ra trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, vì là lần đầu tiên trải nghiệm khắc gỗ nên tôi rất phấn khích.
Người hướng dẫn workshop hôm nay của tôi là Phúc. Ngay từ đầu, tôi được chỉ dẫn tận tình về cách chọn phôi gỗ và họa tiết để khắc. Tôi quyết định chọn một miếng gỗ xà cừ hình chú cá.
Sau khi giới thiệu về dụng cụ, Phúc chỉ tôi vẽ họa tiết và bắt đầu thực hành. Bằng sự nhiệt tình và kiên nhẫn, bạn không chỉ giúp tôi nắm vững cách cầm dao khắc, điều khiển sao cho mũi dao đi đúng ý mình mà còn luôn động viên tôi trong những phút đầu bỡ ngỡ.
Khắc gỗ là một trải nghiệm cần nhiều sự tập trung và kiên nhẫn bởi từng nhát dao khi khắc xuống là không thể sửa đổi. Cảm giác đôi tay miệt mài đục đẽo, những đường nét từ từ lướt qua từng đường vân gỗ khiến tôi đắm chìm vào thế giới của riêng mình, tĩnh lặng và yên bình đến kỳ lạ. Trải nghiệm này gợi nhắc cho tôi về kỹ thuật linocut - một kỹ thuật in ấn, biến thể của khắc gỗ, vốn được thực hiện trên bề mặt phù điêu.
Sau khi hoàn thành phần thô, tôi bắt đầu chà nhám để những đường khắc được mềm mại, uyển chuyển hơn trước khi lên tô màu. Tôi chọn phối màu vàng và cam, nhấn thêm chút màu xanh cho chú cá của mình. Những màu sắc này sẽ giúp chú cá trở nên nổi bật, đồng thời trở thành điểm nhấn trong không gian ngôi nhà của tôi.
Mang chú cá gỗ về nhà, tôi tặng nó cho bạn trai như một món quà đặc biệt. Anh ấy thực sự bất ngờ và rất ấn tượng với thành quả mà tôi đạt được sau buổi workshop. Chú cá gỗ không chỉ là một sản phẩm thủ công bình thường mà còn là kỷ niệm đáng nhớ. Thậm chí, mỗi khi có khách đến chơi, nó lại là chủ đề thú vị để chúng tôi trò chuyện.
Một điều làm tôi rất ấn tượng về workshop này là câu chuyện đằng sau những khối gỗ. Từ những khúc cây, khối gỗ tưởng chừng như vô dụng sau các trận lũ ở Quảng Nam, các nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng. Tác phẩm đầu tay của tôi có tên là "Koi Thais", tôi viết tên, ngày nó được tái sinh và tên "bố/mẹ" lên trên một mảnh giấy nhỏ. Trải nghiệm này cho tôi cảm giác như một sự sống mới đang tiếp diễn từ chất liệu từng bị bỏ đi này.
Workshop khắc gỗ không chỉ mang đến cho tôi một sản phẩm thủ công, đó còn là thời gian giúp tôi thư giãn, lắng đọng và kết nối với chính mình qua từng mũi điêu khắc tỉ mỉ. Với những người không quen làm việc trong tiếng ồn có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi xung quanh là tiếng chạm khắc liên hồi, tuy nhiên nếu tập trung thì cảm giác nó chỉ như tiếng ồn trắng.
Về phần mình, tôi chắc chắn sẽ quay trở lại địa điểm này vào một dịp khác để thử sức với những khối gỗ hoặc trải nghiệm làm gốm, cũng như tiếp tục khám phá khả năng sáng tạo của mình.
Linh Huỳnh - Phương Lâm
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/khach-bo-dao-nha-lan-dau-deo-go-lam-do-thu-cong-o-tphcm-post1518648.html