Khách đến Nhật Bản bùng nổ, nhưng vẫn kém Thái Lan

Khách đến Nhật Bản bùng nổ, nhưng vẫn kém Thái Lan
17 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, ngành du lịch toàn cầu tiến gần về mức phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch.
Riêng du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) tăng trưởng 2 con số với lượng khách quốc tế dự tăng 19% so với cả năm 2023, Công ty quản lý cơ sở dữ liệu ForwardKeys (Valencia, Tây Ban Nha) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) ở Perth (Australia) hồi đầu tháng 10.
Olivier Ponti, Giám đốc giám sát và tiếp thị tại ForwardKeys, cho biết du lịch châu Á đang phát triển với những tiến bộ nhất quán, đặc biệt là ở các quốc gia còn nhiều dư địa như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam.
Trong đó, du lịch Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia đang dẫn đầu, mỗi nước đều cho thấy sự tăng trưởng đáng kể hàng năm về số lượng du khách.
Thái Lan, Nhật Bản dẫn đầu
Thành tích không tưởng 32,4 triệu lượt khách quốc tế ở Bangkok nâng tổng số lượng khách đến Thái Lan ước tính lên gần 36 triệu lượt khách trong năm 2024, theo Cục Du lịch Thái Lan (TAT).
Chỉ riêng 4 tháng cuối năm, nước này đón 12,2 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, mang về doanh thu hơn 652.000 tỷ baht. Con số này giúp xứ sở chùa Vàng đạt 97% mục tiêu doanh thu 2024 là 673.738 tỷ baht, Thống đốc TAT Thapanee Kiatphaibool nói với Nation Thailand.
Khách du lịch nước ngoài trong 4 tháng qua dự kiến chủ yếu đến từ các thị trường trọng điểm ở Đông Á, tiếp theo là châu Âu và Nam Á. Trong đó, thị trường gửi khách lớn nhất là Trung Quốc (2,03 triệu lượt khách), tiếp sau là Malaysia (1,83 triệu lượt khách), Ấn Độ (707.000 lượt khách).
Du khách đi dạo bộ tại phố Takeshita, thuộc khu vực mua sắm Harajuku (Tokyo, Nhật Bản) ngày 10/8. Ảnh: Willy Kurniawan/Reuters.
Còn tại Nhật Bản, trong 11 tháng đầu năm, quốc gia này đạt được cột mốc lịch sử trong lĩnh vực du lịch với hơn 33 triệu du khách nước ngoài, vượt con số 31,9 triệu lượt khách vào năm 2019, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO).
Chỉ tính riêng trong tháng 11, Nhật Bản đón 3,18 triệu du khách nước ngoài, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng này phản ánh xu hướng cứ mỗi tháng trong năm 2024, xứ sở hoa anh đào ghi nhận mức tăng ít nhất 30% so với năm trước.
Hiện, thị trường nguồn của Nhật Bản bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ, song có sự thay đổi vị trí trước và sau đại dịch Covid-19. Trung Quốc tiếp tục để hàng đầu tiên trong danh sách thị phần gửi khách lớn nhất Nhật Bản rơi vào tay Hàn Quốc (do các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt).
Tấm lưới đen được dựng lên để ngăn khách "sống ảo" ở Fujikawaguchiko. Ảnh: Jiji.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực kéo khách ngoại bằng cách liên tục nới visa cho du khách tại 54 nước, theo SCMP. Lần kéo dài thời gian thị thực gần nhất là ngày 17/12.
Các chính sách miễn thị thực của Trung Quốc bao gồm song phương/đơn phương miễn thị thực và chính sách quá cảnh miễn thị thực 144 giờ.
Những phương án trên không chỉ giải quyết một phần bài toán thời gian, chi phí cho du khách mà còn nâng cao giá trị nhận thức của một điểm dừng chân ở Trung Quốc.
Trong 7 tháng đầu năm, hơn 17 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đã đến thăm đất nước này, đánh dấu mức tăng đáng kinh ngạc 129,9% so với năm 2023.
Sự gia tăng đột biến của du lịch trong nước có thể tăng cường quan hệ ngoại giao nước này.
Ngành du lịch Hàn Quốc chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023 nhờ Hàn lưu (Hallyu).
Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu khôi phục khối lượng du lịch trước đại dịch bằng cách tung ra các chiến dịch tiếp thị tích cực xoay quanh K-pop, K-drama và du lịch văn hóa. Chiến lược này được thiết kế để tăng lượng khách đến, đặc biệt là từ các nước láng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc và những người yêu thích K-pop ở châu Âu và Mỹ.
Du khách tham quan Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật (ArtScience Museum), cạnh Marina Bay Sands. Ảnh: @crystlevs, @m0nice.
Singapore tạo ra lối đi riêng và khác biệt so với với các quốc gia láng giềng khi ưu tiên tệp khách có mức chi tiêu cao ngay từ đầu.
Nói cách khác, những người đứng đầu ngành du lịch Singapore chọn chất lượng hơn số lượng bằng cách tận dụng khả năng tổ chức các sự kiện cao cấp của thành phố.
Bằng chứng rõ nhất là đảo quốc sư tử đăng cai giải Grand Prix Công thức 1 hồi 22/9, thu hút nhóm khách giàu có từ châu Âu, Trung Đông và Đông Á, hay Eras Tour của Taylor Swift hồi tháng 3, kéo người hâm mộ chịu chi trong khu vực.
Bên cạnh đó, thị trường nguồn du lịch hàng đầu của Singapore là Indonesia sau đó là Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ. Sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới, Tổng cục Du lịch Singapore đã tăng cường nỗ lực thu hút khách du lịch giàu có từ đất nước tỷ dân.
Với vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu, Singapore cũng thu hút một lượng lớn khách doanh nhân, đặc biệt là các cuộc họp, hội nghị và triển lãm (MICE) cho khách doanh nhân từ Nhật Bản, Australia và Mỹ.
Nhóm du khách check-in trước tượng sư tử nổi tiếng ở Singapore. Ảnh: Reuters.
Đáng quan tâm, du lịch Malaysia gây chú ý với nỗ lực thu hút khách ngoại trong năm nay. Theo Datuk Dr Angie Ng, Chủ tịch Hiệp hội người Hoa tại Malaysia, gần 3 triệu du khách Trung Quốc đã đến quốc gia có tháp đôi Petronas vào năm 2024, đánh dấu mức tăng đáng kinh ngạc 136,5%.
Singapore vẫn là nguồn khách du lịch lớn nhất của Malaysia, đóng góp 7,6 triệu du khách từ tháng 1-10 nhờ sự thuận tiện của việc đi lại xuyên biên giới qua đường cao tốc Johor - Singapore Causeway và cầu Second Link.
Đằng sau những con số
Thái Lan và Nhật Bản đều chứng kiến số lượng khách quốc tế kỷ lục. Tuy nhiên, xét về chính sách quảng bá du lịch, Thái Lan có phần linh hoạt hơn khi nắm bắt xu hướng trong khu vực và tận dụng nhiệt từ các lễ hội truyền thống.
Còn Nhật Bản, du khách quốc tế chỉ đến nước này ồ ạt hơn khi đồng yen giảm sâu so với USD ở mức kỷ lục hồi tháng 5, theo Julia Simpson, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTTC.
Thế giới vốn biết đến Nhật Bản là quốc gia có phong cảnh đẹp theo mùa, đáng chú ý là giàu văn hóa, loại hình truyền thống như geisha vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, mức giá dành cho hoạt động du lịch đắt đỏ khiến khách du lịch lăn tăn.
Khách du lịch làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Kansai vào đầu tháng 12. Ảnh: Bloomberg.
Yen suy yếu là bất lợi về kinh tế, nhưng trong lĩnh vực du lịch, sự sụt giảm đồng tiền lại mở ra cơ hội thúc đẩy du lịch cho Nhật Bản. "Điểm lợi" lại vô tình phù hợp với nỗ lực hút khách từ châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu của chính phủ nước này.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu châu Á Trung Âu (CEIAS), yếu tố chính dẫn đến sự bùng nổ khách ngoại của Nhật Bản là nhu cầu "du lịch trả thù" sau khi các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ trên toàn thế giới, cũng như "các chính sách thị thực thuận lợi".
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng thúc đẩy thành công của Nhật Bản trong lĩnh vực du lịch là những nỗ lực phối hợp giữa chính phủ Nhật Bản và các cơ quan du lịch địa phương.
Song, du lịch Nhật Bản đáng lẽ sẽ bùng nổ hơn nữa và có thể vượt mặt Thái Lan nếu nước này mở cửa biên giới sớm hơn, theo Skift.
Trong khi đó, về chất lượng dịch vụ, Thái Lan vẫn chưa thể so sánh với Nhật Bản.
Adith Chairattananon, tổng thư ký danh dự của Hiệp hội các đại lý du lịch Thái Lan (ATTA), chỉ ra rằng Nhật Bản vẫn đang nằm trong top đầu châu Á về khả năng cung cấp dịch vụ ở cả các thành phố lớn và địa điểm thứ cấp nhờ hệ thống đường sắt hiện đại, tiêu chuẩn an toàn và sự sạch sẽ.
"Những yếu tố này mang lại lợi thế cạnh tranh cho Nhật Bản, đặc biệt là trong việc thu hút khách du lịch tìm kiếm trải nghiệm du lịch liền mạch", vị này cho hay.
Tường Vi
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/khach-den-nhat-ban-bung-no-nhung-van-kem-thai-lan-post1520590.html