Khách du lịch tàu biển tăng mạnh: Việt Nam mở 'hải trình' mới

Khách du lịch tàu biển tăng mạnh: Việt Nam mở 'hải trình' mới
8 giờ trướcBài gốc
Khách du lịch tầu biển tăng mạnh
Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia cho thấy, từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển đạt 175.400 lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tỉnh Quảng Ninh, đã đón 35 chuyến tàu biển quốc tế với gần 50.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho biết, trong tháng 6 vừa qua, Saigontourist đã đón gần 6.000 du khách quốc tế cập cảng Phú Mỹ (TP Hồ Chí Minh).
Việt Nam không chỉ là điểm đến của du khách quốc tế mà đã trở thành điểm khởi hành đưa du khách Việt Nam tới các điểm du lịch trên thế giới. Tháng 6/2025. lần đầu tiên Saigontourist tổ chức cho 200 du khách Việt trải nghiệm hải trình biển quốc tế khởi hành từ Việt Nam đến Singapore trên du thuyền Star Voyager.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển. Ảnh: Hoài Nam
Theo Chủ tịch StarDream Cruises Michael Goh ( DN quản lý khai thác du thuyền Star Voyager), trước đây, du khách Việt phải bay sang các nước Đông Nam Á để tham gia tour tầu biển. Nhưng việc lần đầu tiên du khách được “xuất cảng” tại Việt Nam đã mở ra “chương mới” cho Việt Nam khai thác loại hình du lịch cao cấp này.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nước ta có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo… là những điều kiện trở thành trung tâm du lịch tàu biển của châu Á.
Du khách vui chơi trên du thuyền Star Voyager trong tour du lịch tàu biển đến Singapore khởi hành từ Việt Nam. Ảnh: Quốc Hùng
Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều khu du lịch biển nổi tiếng như Hạ Long, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… đủ sức cạnh tranh với các khu du lịch biển khu vực châu Á thu hút du khách tàu biển. “Trong thời gian qua du lịch tầu biển đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Cần nâng cấp cơ sở tầng
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Thông tin từ các doanh nghiệp du lịch cho thấy, khách tàu biển quốc tế chi tiêu trung bình từ 250 - 500 USD/ngày, cao gấp 3 - 5 lần khách du lịch thông thường. Dòng khách này cũng có xu hướng quay lại nếu có trải nghiệm tốt. Trong khi đó việc thu hút khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày cũng chính là mục tiêu chủ yếu của du lịch Việt Nam.
Để khai thác được “mỏ vàng” du lịch tàu biển đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tổng Giám đốc Lux Group Phạm Hà cho biết, đa phần các tỉnh, thành của Việt Nam nằm ven biển nên có tiềm năng đón khách du lịch tàu biển. Thế nhưng đến nay, mới chỉ có một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh bước đầu khai thác được thị trường này…
Doanh nghiệp du lịch Hà Nội tham gia hải trình từ TP. Hồ Chí Minh đi Singapore trên du thuyền 5 sao Star Voyager. Ảnh: Quốc Hùng
Nguyên nhân là bởi phần lớn các cảng biển chưa có cầu cảng chuyên dụng cho tàu du lịch cỡ lớn, khiến du khách phải dùng tàu trung chuyển vào bờ, ảnh hưởng đến trải nghiệm. Các thủ tục hải quan, kiểm dịch còn mất khá nhiều thời gian, làm giảm sức hút đối với khách quốc tế. “Phần lớn du khách tàu biển chỉ tham quan trong vài giờ rồi rời đi, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, nên khó có thể giữ chân du khách ở lại lâu dài. Điều này đã làm giảm giá trị kinh tế loại hình du lịch này mang lại”- ông Hà nêu rõ.
Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng chia sẻ, các quốc gia thành công với du lịch du thuyền như Singapore, Nhật Bản, Ý hay Hy Lạp đều đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng cảng, tạo các chính sách thu hút tàu quốc tế cập bến thường xuyên. “Để hút khách du lịch tầu biển chọn Việt Nam làm điểm đến đòi hỏi ngành du lịch phối hợp với các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang…xây dựng quy hoạch theo hướng trở thành nơi tàu xuất phát chứ không chỉ dừng chân tham quan”-ông Hùng kiến nghị.
Để du lịch tàu biển phát triển mạnh mẽ, Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường hiến kế, để loại hình du lịch này trở thành thành một ngành kinh tế biển thực sự, thời gian tới Việt Nam cần một chiến lược quốc gia về du lịch du thuyền.
Cụ thể, cần có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp quốc tế, đầu tư vào hạ tầng cảng biển, quy hoạch hành lang du lịch biển, các tỉnh ven biển cần xây dựng mối liên kết từ đó tạo thành cụm du lịch chung.
Du khách vui chơi trên du thuyền 5 sao Star Voyager khi tham gia hải trình từ TP. Hồ Chí Minh đi Singapore. Ảnh: Quốc Hùng
Dưới góc độ chuyên gia du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, chính quyền các địa phương nên mở rộng khái niệm sản phẩm du lịch biển bao quát hơn hướng đến phát triển bền vững. Cụ thể, phát triển mạnh mẽ các cảng thủy nội địa, quốc tế, tổ chức nhiều điểm nghỉ biển với cơ sở hạ tầng tốt. Qua đó, thu hút du khách đến Việt Nam bằng tàu biển nhiều lần thay vì một đi không trở lại. “Hơn nữa, Việt Nam cần hình thành tuyến du lịch ven biển từ đó tạo sản phẩm mới lạ cho du lịch từng địa phương”-ông Bình nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng “hiến kế”, muốn đón được dòng khách cao cấp thông qua du lịch tầu biển, doanh nghiệp cần xây dựng những sản phẩm du lịch độc quyền, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm độc đáo, sang trọng. Đồng thời, phát triển các khu trung tâm mua sắm hàng cao cấp; Nâng cấp các cơ sở lưu trú chuẩn 5-6 sao, đẩy mạnh quảng bá, hợp tác tại các sự kiện du lịch quốc tế cao cấp và các hội chợ du lịch chuyên biệt.
Đồng tình với ý kiến này, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Vân cho rằng, từ nay đến 2030, du lịch tàu biển sẽ là phân khúc phát triển nhanh, nhưng để bứt phá đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phối hợp liên ngành đưa ra chính sách visa thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tầu biển nhập cảnh vào Việt Nam.
Như vậy, để phát triển du lịch tàu biển đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược tổng thể, đề xuất chính sách khai thác hiệu quả hơn nữa “mỏ vàng” du lịch này.
Lê Nam
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/khach-du-lich-tau-bien-tang-manh-viet-nam-mo-hai-trinh-moi.756734.html