Khách du lịch thấy 'dòng sông' rác, chủ tịch DN thốt lên 'cấp thiết lắm rồi'

Khách du lịch thấy 'dòng sông' rác, chủ tịch DN thốt lên 'cấp thiết lắm rồi'
10 giờ trướcBài gốc
Khách càng giàu, càng sẵn sàng chi tiền cho du lịch xanh
Tại Diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh - nâng tầm du lịch Việt Nam” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2025, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng “đã đến lúc các đối tác trong ngành du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan”.
Trên thực tế, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự nỗ lực của địa phương, một số điểm đến xanh tại Việt Nam đã được ghi nhận.
Bà Hoàng Thúy Hường, Giám đốc Phát triển thị trường Khu du lịch sinh thái Tràng An, cho hay, với việc áp dụng 3 không: Không bê tông hóa vùng lõi di sản; không sử dụng động cơ máy và không can thiệp vào thủy văn và cảnh quan nguyên sơ, Tràng An đã được bảo tồn một cách trọn vẹn. Trong đó, không thể không kể đến ý thức của người dân, của cộng đồng.
Đại diện Khu du lịch sinh thái Tràng An nói về 3 không được áp dụng tại đây. Ảnh: BTC
“Gần 2.000 người lái đò là những đại sứ truyền tải văn hóa, ý thức về việc bảo tồn, ý thức về du lịch xanh. Những người quản lý như chúng tôi chỉ là cánh tay nối dài trong một hệ sinh thái kép”, bà nói.
Nhờ đó, các điểm đến trong quần thể danh thắng Tràng An luôn chiếm tỷ lệ trên 80% tổng lượt khách đến Ninh Bình, với gần 10.000 khách/ngày. 100% người lái đò và vận hành là người địa phương. Tràng An giảm thiểu được 60% lượng rác thải.
Bên cạnh đó, kết quả bước đầu một dự án phối hợp giữa UNDP và Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, sau 3 tháng thí điểm, 60 đơn vị tại Ninh Bình và Hội An đã giảm trung bình 35% lượng rác thải nhựa.
Dưới khía cạnh doanh nghiệp, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group - đơn vị vừa được trao chứng chỉ quốc tế về du lịch bền vững, cho hay, việc du khách lựa chọn một điểm đến, họ sẽ xem xét điểm đến đó có thực sự phát triển bền vững, có mang đến nhiều cảm xúc, trải nghiệm không.
Khách du lịch càng giàu, càng sang trọng như khách Âu, Mỹ... càng quan tâm và chú trọng yếu tố bền vững.
“Nhiều đơn vị cho rằng áp dụng chuyển đổi xanh sẽ đắt hơn, nhưng với tệp khách hàng của chúng tôi, họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn, kể cả khi thu thêm mỗi người từ 1-1,5 USD/ngày. Số tiền khách trả thêm này được đưa vào quỹ, doanh nghiệp sẽ tổ chức thu gom rác, trồng cây xanh, xây trường học, tặng bồn nước sạch,... cho đồng bào dân tộc”, ông Hà nói.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Văn Bảy - Phó giám đốc Công ty du lịch Vietravel Hà Nội, đánh giá, đúng là một số tour du lịch xanh chi phí có thể cao hơn do yêu cầu về dịch vụ đặc thù. Ví dụ như tour trải nghiệm văn hóa bản địa cần thời gian khảo sát kỹ lưỡng, đào tạo nhân lực địa phương, hợp tác với các tổ chức bảo tồn... Tuy nhiên, mức chênh lệch này là hợp lý và hoàn toàn xứng đáng với giá trị trải nghiệm mà khách hàng nhận được.
Điều đặc biệt là khách không chỉ đi chơi mà còn “để lại dấu chân xanh”, góp phần tạo ra những giá trị tích cực cho môi trường và cộng đồng.
Khách quốc tế đi thuyền tại Tràng An. Ảnh: Thạch Thảo
Cấp thiết xây dựng du lịch xanh
Trong khi các du thuyền nói không với rác thải nhựa thì khi kinh doanh tại vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới, khách du lịch lại nhìn thấy những “dòng sông” rác, “dòng sông” vỏ nhựa. Vị chủ tịch Lux Group vì thế cảm thấy rất xấu hổ.
Ông cho rằng Việt Nam hiện đang thiếu một cơ quan quản lý tổng thể về điểm đến du lịch. Trong khi nhiều doanh nghiệp đã xác định mục tiêu phát triển bền vững, thì việc "xanh hóa" không thể thực hiện đơn lẻ. Doanh nghiệp không thể xanh nếu không có sự đồng bộ từ chuỗi cung ứng — bao gồm nhà hàng, khách sạn, vận chuyển và chính điểm đến cũng phải xanh.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm Net-zero. Việt Nam cần xây dựng hệ thống chỉ số chuyển đổi rõ ràng để có thể đo lường cụ thể lượng phát thải ra môi trường.
“Cấp thiết lắm rồi, nếu du lịch Việt Nam không phát triển bền vững sẽ khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực”, ông Hà lo ngại.
Điều này, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP, cũng thừa nhận và cho rằng, các điểm đến xanh tại Việt Nam còn yếu, rất cần doanh nghiệp và cộng đồng chung tay hà hơi góp sức.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, đánh giá trong quá trình thực hành thí điểm chương trình chuyển đổi xanh theo Bộ tiêu chí Du lịch xanh VITA cho thấy doanh nghiệp đang thiếu nhân lực chuyên môn, kinh nghiệm, kinh phí chuyển đổi xanh; nhiều DN vẫn giữ thói quen kinh doanh theo kiểu cũ.
Chưa kể, các chuyên gia nhận xét, việc phát triển du lịch xanh tại Việt Nam vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương thực hiện manh mún, “mạnh ai nấy làm” nên chưa hình thành hệ thống. Do đó, một bản đồ các điểm đến du lịch xanh của Việt Nam đang được Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng.
Tới đây, theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngành du lịch sẽ kêu gọi đầu tư phát triển du lịch xanh, điểm đến xanh. Các địa phương cũng cần xác định được trách nhiệm phát triển du lịch xanh trong việc xây dựng kế hoạch phát triển.
"Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã ban hành kế hoạch kiểm đếm các điểm du lịch, đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp phát triển điểm du lịch xanh tầm cỡ quốc tế", ông Thủy nói.
Ngọc Hà
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/khach-du-lich-thay-dong-song-rac-chu-tich-dn-thot-len-cap-thiet-lam-roi-2390431.html