Số liệu của Cục thống kê cho thấy, riêng trong tháng 6, nước ta đón gần 1,5 triệu lượt khách nước ngoài, giảm 4% so với tháng trước.
Khách du lịch bằng đường hàng không vẫn chiếm ưu thế khi đạt hơn 9 triệu lượt nhập cảnh, tiếp đến khách đi đường bộ với gần 1,4 triệu lượt, còn lại là khách đến bằng đường biển.
Hiện tại, khách quốc tế đến từ khu vực Đông Bắc Á chiếm đến 60% tổng lượng khách du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Khách Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí "đến Việt Nam nhiều nhất", với hơn 2,7 triệu lượt; tiếp đến là khách Hàn Quốc với 2,2 triệu lượt; sau đó lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ...
Khách Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí "đến Việt Nam nhiều nhất", với hơn 2,7 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh: Lộc Liên.
Ở chiều ngược lại, 6 tháng qua, người Việt xuất cảnh đạt hơn 4 triệu lượt, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước.
"Hoạt động vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm từ 2011-2025", Cục thống kê nêu rõ.
Theo báo cáo của công ty tư vấn hàng đầu Boston Consulting Group (BCG), Việt Nam nằm trong top các thị trường du lịch mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út. Những thị trường này đang nhanh chóng vượt qua những cường quốc du lịch truyền thống như Mỹ, Anh và Đức.
Hàn thử biểu (World Tourism Barometer) số ra tháng 5 vừa được Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) công bố, quý I năm nay du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng khách quốc tế cao thứ 6 thế giới, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Xét trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ nhất, tiếp đến là Nhật Bản và Cộng hòa Palau.
Bloomberg cho hay, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia được ghé thăm nhiều thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với 17,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái - vượt qua Singapore, đứng sau Malaysia với 25 triệu du khách và Thái Lan với 35 triệu khách.
Việt Nam nằm trong top các thị trường du lịch mới nổi tiềm năng hàng đầu thế giới. Ảnh: NIA.
Nhiều chuyên gia nhận định, ngày càng có nhiều đường bay thẳng từ các nước đến Việt Nam là yếu tố hàng đầu giúp du lịch Việt cất cánh.
Ngày 1/7, Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Milan (Ý). Cùng ngày, Vietjet đưa vào khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Từ năm 2023, Việt Nam đưa ra chính sách thị thực điện tử mới, cho phép du khách lưu trú tối đa 90 ngày - gấp 3 lần giới hạn trước đó, miễn thị thực cho du khách 16 nước bao gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha... Đây được coi là yếu tố kích thích du khách quốc tế đến mảnh đất hình chữ S.
Năm nay, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đón được 23 triệu du khách quốc tế. Đến tháng 3/2026, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, có thể lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong 1 năm sẽ đạt mốc 25 triệu người...
Lộc Liên