Hàng người xếp hàng mua vịt quay và thịt quay tại quầy hàng thực phẩm của Khách sạn Noble International ở Trịnh Châu.
Một buổi tối oi bức 36 độ C, trước cửa khách sạn Noble International Hotel tại Trịnh Châu, tổng giám đốc của khách sạn đang múc từng hộp tiểu long hà (xiao long xia) nóng hổi bán với giá chỉ 38 tệ/nửa ký (khoảng 5,3 USD) trong chiếc lều tạm vừa dựng vội.
Bên cạnh ông, các đầu bếp đội mũ cao trắng đang xắt thịt vịt quay với giá 35 tệ/nửa con và chỉ 60 tệ/con để phục vụ dòng người nườm nượp tới mua.
Khung cảnh đông đúc bên ngoài đối lập hoàn toàn với sự vắng lặng bên trong khách sạn 5 sao. Dù đã gần giờ ăn tối, nhà hàng buffet sang trọng với mức giá 258 tệ/người vẫn chỉ lác đác vài thực khách. Sảnh đá cẩm thạch chỉ có vài người tránh nóng hoặc... ngồi ăn đồ mang từ quầy vỉa hè ngay trước cửa, theo Straits Times.
Không riêng gì Trịnh Châu, từ Hàng Châu đến thành phố Trường Sa (Hải Nam, Trung Quốc), nhiều khách sạn cao cấp tại Trung Quốc đang dựng quầy bán đồ ăn vỉa hè - món ăn do đầu bếp khách sạn chế biến, nhưng bán với giá rẻ bất ngờ. Một hiện tượng lạ chưa từng có với ngành khách sạn hạng sang.
Áp lực từ khủng hoảng tiêu dùng
Xu hướng này phản ánh sự bế tắc đang bao trùm ngành khách sạn cao cấp Trung Quốc. Người dân thắt chặt chi tiêu vì kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao, thị trường bất động sản lao dốc, du lịch nội địa chưa thể hồi phục hoàn toàn, còn nhu cầu tổ chức tiệc cưới hay hội nghị giảm mạnh.
Tháng 5/2025, chính quyền Trung Quốc tiếp tục kêu gọi giảm chi tiêu, yêu cầu các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh cắt tối đa chi phí tiếp khách, tiệc tùng.
Những điều này đánh vào “nguồn sống” của nhiều khách sạn hạng sang - vốn phụ thuộc lớn vào các sự kiện doanh nghiệp, hội nghị hay tiệc cưới.
“Chúng tôi biết mô hình này không thể duy trì lâu dài vì lợi nhuận rất thấp”, ông Sun Bo, Tổng giám đốc Khách sạn Quốc tế Thiệu Hưng (Chiết Giang) nói. “Nhưng vài tháng gần đây, đầu bếp và nhân viên rảnh rỗi, nên chúng tôi chấp nhận lỗ để tiếp thị khách sạn, giữ nhân sự và duy trì sự hiện diện”.
Khách sạn của ông là một trong những đơn vị tiên phong dựng quầy hàng ngoài trời từ giữa tháng 6.
Câu chuyện sinh tồn: "Sống còn hơn giữ sĩ diện"
Cùng lúc, một số khách sạn khác như Banyan Tree ở Trùng Khánh phải bán tài sản để tồn tại. Hilton tại Thâm Quyến tung ra “hộp mù thức ăn thừa” giá 79 tệ, gom các món buffet không tiêu thụ hết giá hơn 200 tệ để bán tháo. Tất cả là nỗ lực níu giữ doanh thu giữa lúc công suất phòng lao dốc.
Theo số liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, quý III/2024, tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn 5 sao chỉ đạt 60,7%. Gần 40% phòng trống. Doanh thu toàn ngành giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mảng ăn uống tụt sâu 14,6%.
Cảnh tượng nhộn nhịp bên ngoài quầy hàng thực phẩm của Khách sạn Quốc tế Noble năm sao ở Trịnh Châu.
Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có 370.000 khách sạn với 18,5 triệu phòng – tăng gần 30.000 khách sạn chỉ sau 5 năm. Nhưng du lịch nội địa vẫn thấp hơn năm 2019 đến 6,5%, còn khách quốc tế chưa trở lại như trước. Cung vượt cầu, khiến ngành khách sạn hạng sang rơi vào vòng xoáy “đại chiến giá”.
Trong bối cảnh đó, các tổng giám đốc khách sạn buộc phải... xuống vỉa hè.
“Tôi biết có người nghĩ làm vậy là ‘mất mặt’”, ông Lei Yuming, Tổng giám đốc khách sạn Noble tại Trịnh Châu chia sẻ với truyền thông địa phương. “Nhưng thật sự thì, giữ sĩ diện được bao nhiêu? Nếu không sống nổi thì còn sĩ diện để làm gì?”
Quan điểm của ông được nhiều người ủng hộ, trong đó có cả những người kinh doanh bên trong khách sạn.
“Lúc đầu tôi cũng nghi ngại”, ông Guo Xiaobao, quản lý cửa hàng rượu Mao Đài dưới sảnh khách sạn, nói. “Nhưng rồi tôi hiểu vì sao phải làm vậy. Khách ít hẳn, doanh số rượu tôi bán cũng lao dốc”.
Thay đổi mô hình, tìm lại giá trị thực
Theo ông Tao Zhou, Giám đốc mảng khách sạn của JLL Trung Quốc, các khách sạn cao cấp cần nhanh chóng thích nghi với thị trường đang ngày càng “xuống cấp tiêu dùng”.
“Ít đám cưới hơn, ngân sách công ty bị siết, tiệc chiêu đãi giảm. Những điều này đang bóp nghẹt các nguồn thu truyền thống của khách sạn”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Zhou, khủng hoảng này không phải dấu chấm hết mà là cơ hội để các khách sạn cao cấp tái cấu trúc, rời xa mô hình tiệc tùng truyền thống và tập trung vào sản phẩm linh hoạt, thực chất và lấy khách hàng làm trung tâm.
Các đầu bếp và nhân viên khách sạn đang múc xiao long xia, hay tôm càng xanh, và các món ăn khác vào hộp mang đi tại quầy thức ăn của Khách sạn Noble International.
Chuyên gia chiến lược Lai MingYii từ Daxue Consulting (Thượng Hải) cũng cho rằng hiện tượng “bán đồ ăn vỉa hè” không đơn thuần là cứu vớt doanh thu mà còn là chiến lược marketing sáng tạo.
“Các khách sạn có thể tận dụng chuỗi cung ứng sẵn có, biến nguyên liệu tiệc cưới thành món ăn đường phố, tạo dòng tiền trong lúc vẫn duy trì chất lượng”, bà nói. “Những pop-up kiểu này cũng giúp Gen Z và tầng lớp trung lưu dễ tiếp cận trải nghiệm cao cấp hơn”.
The St Regis ở Thượng Hải đã biến xe bán đồ ăn thành quầy bar di động ban ngày để hút khách trẻ. Một chiến lược vừa tiết kiệm vừa định hình lại thương hiệu.
Tại quầy hàng của khách sạn Noble ở Trịnh Châu, giữa dòng người đông đúc, anh Lưu Dương, 29 tuổi, đầu bếp tại nhà hàng tổ chức tiệc cưới gần đó, đứng quan sát.
“Sếp tôi cho xem video quầy hàng trên Douyin và muốn tôi đến xem tận mắt,” anh nói. “Tôi hiểu vì sao họ làm vậy. Kinh tế khó khăn, sống sót quan trọng hơn sĩ diện”.
Nhà hàng của anh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề: “Trước đại dịch, doanh thu hàng tháng vài triệu tệ. Giờ chỉ còn một nửa. Lượng khách ít, tôi cũng nấu ít hẳn”.
Phương Linh
Ảnh: Michelle Ng