Từ hôm qua, thông tin Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân (TP Huế) đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Lo ngại nạn tận diệt chim trời
Trước đó, vào tháng 3-2025, một đơn vị tại Huế xin cấp phép tổ chức Cuộc thi tiếng hót chim chào mào. Tuy nhiên, sau khi các đơn vị làm việc, ngành Văn hóa - Thể thao TP Huế yêu cầu không cấp phép tổ chức cuộc thi vì liên quan đến vấn đề pháp lý, nguồn gốc của chim cũng như lo ngại về việc tiếp tay cho nạn bẫy chim trời.
Kiểm lâm TP Huế ra quân kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chim hoang dã.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Huế, cho biết: "Chim chào mào thuộc loài động vật rừng thông thường, việc nuôi động vật rừng thông thường phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Để cho phép Hội thi chim chào mào phải đảm bảo các cá thể chim đó phải được nuôi đúng theo quy định của pháp luật, có nguồn gốc hợp pháp, có thông báo cho cơ quan kiểm lâm để theo dõi, quản lý. Nhưng cơ quan kiểm lâm trên địa bàn TP Huế hầu như không quản lý chim chào mào.
Hầu hết chim chào mào được nuôi làm cảnh hiện nay có nguồn gốc từ săn, bẫy, bắt bất hợp pháp từ tự nhiên. Việc cho phép các cuộc thi chim chào mào có nguồn gốc không hợp pháp đồng nghĩa với việc chúng ta khuyến khích tình trạng bẫy, bắt chim chào mào từ tự nhiên.
Giấy tờ chứng minh nguồn gốc gồm những gì?
Ông Tuấn cho biết, nguồn gốc hợp pháp của động vật rừng thông thường, không thuộc loài trong các Phụ lục CITES gồm các trường hợp: Có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên hợp pháp; có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp; có nguồn gốc (mua) sau khi xử lý tịch thu; có nguồn gốc từ cá thể con của động vật rừng nuôi sinh sản hợp pháp; có nguồn gốc từ mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu.
Cụ thể, đối với chứng minh chim có nguồn gốc khai thác tự nhiên hợp pháp, theo quy định cần có bản chính bảng kê lâm sản được xác nhận bởi cơ quan kiểm lâm sở tại. Việc khai thác phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp phải có tờ khai hải quan theo quy định pháp luật; bản chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc packing-list/log-list do tổ chức, cá nhân lập theo quy định của nước xuất khẩu.
Chim có nguồn gốc (mua) sau xử lý tịch thu phải có bản chính bảng kê lâm sản do cơ quan kiểm lâm được giao xử lý tài sản lập hoặc bản chính bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại (trường hợp cơ quan kiểm lâm không phải là cơ quan được giao xử lý tài sản).
Chim có nguồn gốc từ cá thể con của động vật rừng nuôi sinh sản hợp pháp thì theo quy định tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, an toàn cho con người, tuân thủ quy định về môi trường và thú y; thực hiện ghi chép sổ theo dõi theo mẫu, và thông báo cho cơ quan kiểm lâm sở tại trong vòng 3 ngày kể từ khi đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi để quản lý.
Chim có nguồn gốc từ mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu phải có bản chính bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại; Bản sao hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc sử dụng mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ quy định trên bảng kê lâm sản.
Vi phạm có thể bị xử lý hình sự
Ông Tuấn cho biết, trường hợp nuôi nhốt động vật rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý hành chính đối với hành vi săn, bắt, giết, nuôi nhốt, động vật hoang dã trái pháp luật bị xử phạt hành. Mức phạt từ 1 triệu đồng đến 400 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và loài động vật hoang dã liên quan.
Sẽ bị xử lý hình sự với hành vi vi phạm có vật chứng là động vật rừng thông thường trị giá từ 300 triệu đồng trở lên (có thể bị xử lý hình sự theo quy định Điều 234 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã).
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và loài động vật hoang dã liên quan, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm, pháp nhân thương mại thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 6 tỉ đồng.
Đối với vi phạm về trình tự, thủ tục liên quan đến động vật rừng có thể bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 10 triệu đồng như: hành vi vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp; không xuất trình được hồ sơ tại thời điểm kiểm tra phương tiện vận chuyển hoặc hồ sơ không đúng với quy định pháp luật...
Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn Luật sư TP Huế), cho biết nhiều quán cà phê hiện nay có phong trào kinh doanh nuôi một số loài động vật để làm thú vui cho khách hàng, đặc biệt là các loại chim cảnh. Việc nuôi và sử dụng các loại chim này cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn Luật sư TP Huế).
Các loại chim cảnh hiện nay được nuôi phổ biến là bồ câu nâu, họa mi, khướu đầu đen má xám, khướu Ngọc Linh, kim oanh mỏ đỏ, mi núi bà… Đây là những loài nằm trong Danh mục loài và mức độ bảo vệ IIB theo quy định tại Nghị định số 06/2019 ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Những loài này bị hạn chế khai thác hoặc sử dụng vì mục đích thương mại; chỉ được phép nuôi giữ/buôn bán các loài này nếu có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với chim có thể là: Hợp đồng mua bán hợp pháp; Giấy chứng nhận bảo vệ từ các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã hoặc các cơ quan nhà nước, nếu chim thuộc loài quý hiếm, cần có giấy tờ chứng minh thuộc chương trình bảo tồn, giấy phép vận chuyển,…
NGUYỄN DO