Chiều 11-2, Ban tổ chức Lễ hội đền Và thực hiện lễ "phong triều" (mặc áo, đội mũ) cho Đức Thánh Tản ở hậu cung; dựng cờ hội và mở cửa nghi môn, chính thức khai hội đền Và Xuân Ất Tỵ 2025.
Thực hiện nghi lễ phong triều tại Lễ hội đền Và. Ảnh: Anh Thương
Chủ tịch UBND phường Trung Hưng Nguyễn Anh Thương cho biết: Đền Và - Đông Cung là nơi thờ tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn, đứng đầu trong hàng “Tứ bất tử” của Việt Nam. Lễ hội đền Và cũng là lễ hội lớn nhất của vùng xứ Đoài, được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, đón tiếp nhân dân và du khách về dâng hương, tỏ lòng tri ân Đức Thánh Tản.
Định kỳ 3 năm một lần, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, địa phương tổ chức hội lớn, có sự tham gia của 8 làng cùng thờ Đức Thánh Tản, gồm các làng: Vân Gia, Cầu Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Ái Mỗ của phường Phùng Hưng và các làng Phù Sa (phường Viên Sơn), Phú Nhi (phường Phú Thịnh), làng Duy Bình (xã Vinh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)… Lễ hội cũng trở thành tâm điểm kết nối nhân dân đôi bờ tả - hữu sông Hồng, giúp hội tụ sức mạnh đoàn kết của người dân xứ Đoài. Ngoài ra tháng Chín hằng năm, tại đền Và còn có lễ hội Đả Ngư, với mục đích dựng lại tích Thánh Tản kéo vó, chế biến món ăn từ cá. Lễ hội Đả Ngư còn mang ý nghĩa khuyến ngư và giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nghi thức rước kiệu ở đền Và. Ảnh: Anh Thương
Với những giá trị lịch sử, văn hóa quý giá đó, đến Và được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1964. Ngày 19-1-2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Lễ hội đền Và là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Theo phong tục cổ truyền, lễ hội truyền thống ở đền Và được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm. Di tích đền Và và Lễ hội đền Và là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, góp phần lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau. Thời gian tổ chức lễ hội thường diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17 tháng Giêng.
Tại Lễ hội đền Và năm 2025 còn có một số trò chơi dân gian truyền thống, như: Cờ tướng, múa rối nước, liên hoan văn nghệ, bịt mắt đập bóng, nấu cơm thi, nhảy bao bố, kéo co và giải bóng đá mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng Lễ hội đền Và… thu hút đông đảo người dân tham gia, xem cổ vũ.
Xe điện miễn phí phục vụ du khách đi từ bãi đỗ xe vào gần đền và ngược lại. Ảnh: Ánh Dương
Đoàn liên ngành thị xã Sơn Tây và phường Trung Hưng kiểm tra an toàn thực phẩm tại các hàng quán ở Lễ hội đền Và. Ảnh: Ánh Dương
"Ban tổ chức Lễ hội đền Và cũng bố trí các xe điện đưa đón du khách miễn phí từ bãi gửi xe đến lối vào đền. Ngoài 2 khu vệ sinh công cộng sẵn có, Ban tổ chức còn bố trí thêm 2 nhà vệ sinh công cộng di động để phục vụ du khách. Công tác vệ sinh môi trường được phường chủ động, phối hợp với đoàn liên ngành thị xã kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, có chứng minh nguồn gốc hàng hóa là thực phẩm, như bánh tẻ bánh đúc, kẹo lạc, kẹo dồi...", Chủ UBND phường Trung Hưng Nguyễn Anh Thương thông tin thêm.
Một số hình ảnh diễn ra tại lễ hội:
Những sản phẩm truyền thống, đặc sản của thị xã Sơn Tây, như bánh tẻ, bánh đúc, kẹo lạc... hấp dẫn du khách. Ảnh: Ánh Dương
Nhiều hàng quán với những mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương phục vụ du khách. Ảnh: Ánh Dương
Múa rối nước thu hút người dân, du khách đến xem. Ảnh: Ánh Dương
Trò chơi cờ tướng tại Lễ hội đền Và thu hút người dân, du khách tham gia chơi, đến xem, cổ vũ. Ảnh: Ánh Dương
Du khách xin nước giếng tại đền Cô Chín - một nét văn hóa tâm linh tại Lễ hội đền Và. Ảnh: Ánh Dương
Du khách đến dâng hương tại đền Và. Ảnh: Ánh Dương
Ánh Dương