Sáng 20/2 (tức ngày 23 tháng Giêng âm lịch), tại di tích đền Cả, thuộc Quần thể di tích quốc gia đền Cao, phường An Lạc, Lễ khai hội truyền thống đền Cao năm 2025 và dâng hương tưởng nhớ công ơn của 5 đức Thánh họ Vương có công phù giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống xâm lược, đã được thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) trang trọng tổ chức.
Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh đọc diễn văn khai hội.
Sự tích về 5 đức Thánh họ Vương
Trong diễn văn khai hội, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh cho biết: Ngược dòng thời gian, vào thời nhà Đinh, ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Nga Trung, Lộ Thanh Hóa có gia đình ông Vương Tĩnh và bà Đào Thanh, là người nhân đức, chịu thương chịu khó được chòm xóm yêu mến. Song hiềm một nỗi vợ chồng tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi.
Ông, bà bèn tìm nơi đất mới để sinh sống, khi đến Dược Đậu trang, đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là phường An Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), thấy dân phong thuần hậu, đất đai trù phú, cây cỏ tốt tươi, ông bà quyết định ở lại lập nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh đánh trống khai hội.
Tại Dược Đậu trang, được dân làng yêu quý, giúp đỡ, ít lâu sau gia đình ông, bà làm ăn khá giả và sinh được 5 người con. Trong đó, con trai trưởng tên là Vương Đức Minh, con trai thứ hai tên là Vương Đức Xuân, con trai thứ ba tên là Vương Đức Hồng, con gái thứ nhất tên là Vương Thị Đào, con gái thứ hai tên là Vương Thị Liễu.
Đến năm các con 12 tuổi, ông bà cho các con đi học, học được một, hai năm chữ nghĩa đã tinh thông, văn chương thành thục. Năm đó ông bà về thăm quê hương bản quán, đến bến đò Thần Phù, không may gặp bão, thuyền đắm và mất.
Các cụ cao niên phường An Lạc đọc văn tế tại buổi lễ.
Sự tích kể lại, vào năm Thiên Phúc (981) Tiền Lê, quân Tống xâm lược nước ta, nhà vua truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra giúp nước. Khi nhà vua hành binh đem quân đi đánh giặc qua Dược Đậu, thấy thế đất hiểm yếu liền cho lập đồn trại. Hàng ngày, thấy 5 anh em họ Vương tướng mạo khác thường đi qua cửa doanh đồn, nhà vua cho gọi vào thử tài, quả là những người tài giỏi, võ nghệ phi thường, muôn người không địch nổi.
Vua liền thu phục, đồng thời phong chức cho các ông là Quyền chưởng trung hoa tể Đại Tướng và phong cho 2 bà là Mẫu nghi chí tôn thiên hạ.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương; lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh và các đại biểu dâng hương.
Sau khi nhận tước phong, các ông, bà liền xin phép nhà vua được cầm quân đánh giặc. Trong đó, 2 bà giả làm người bán trầu thuốc, thâm nhập đồn sở bọn giặc. Trước nhan sắc của 2 bà, tướng giặc mê mẩn vứt bỏ quân cơ, đội ngũ… Ngay sau đó, 3 ông liền tiến quân đến đồn quân giặc chiếm đóng, quyết chiến một trận. Đồn giặc bị phá, quân tướng bị giết nhiều không kể xiết, số sống sót vội vã bỏ chạy về nước.
Các đại biểu, người dân và du khách dâng hương.
Giặc giã được dẹp yên, tin thắng trận được cấp báo về, nhà vua liền cử giá quay về nơi đóng doanh đồn, mở tiệc khao thưởng quân sĩ rồi trở về triều quốc, 5 vị tướng để tang cha mẹ nên ở lại. Không ngờ ý trời linh hóa, vào đêm 23 tháng Giêng, trời đất tối tăm, mưa gió ầm ầm, năm vị tướng họ Vương đều thăng hóa, di hài được mối đất đắp thành những ngôi mộ lớn ở vị trí khác nhau.
Sau lễ dâng hương là lễ rước bộ truyền thống đền Cao. Trong ảnh: Đoàn rước bắt đầu khởi hành từ đền Cả.
Hay tin, nhà vua vô cùng thương xót, sắc phong 5 vị tướng là “Thượng đẳng phúc thần”, sai các quan về làm lễ và truyền bảo nhân dân bản trang lập đền thờ ở các nơi Thánh hóa, hương hỏa phụng thờ: Đền Cả thờ Vương phụ, Vương mẫu và hai người con gái là Đào hoa trinh thuận công chúa - Vương Thị Đào và Liễu hoa linh ứng công chúa - Vương Thị Liễu.
Đền Cao thờ Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương Vương Đức Minh - trưởng nam dòng họ Vương. Đền Bến Tràng thờ Dực thánh linh ứng đại vương Vương Đức Xuân - thứ nam dòng họ Vương. Đền Bến Cả thờ Anh vũ dũng lược đại vương Vương Đức Hồng - thứ nam dòng họ Vương.
Dẫn đầu đoàn rước bộ là đội múa rồng.
Lễ hội truyền thống tiêu biểu
Theo Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Tuấn Hưng, trải qua hơn một nghìn năm lịch sử, với biết bao thăng trầm… nhưng các ngôi đền vẫn được các thế hệ người dân xứ Đông - Hải Dương nói chung và An Lạc - Chí Linh nói riêng bảo vệ. Các giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu được lưu giữ vẹn nguyên qua 11 đạo sắc phong, ngọc phả, hoành phi, câu đối, đại tự, 21 sự lệ linh thiêng cùng những địa danh lịch sử như núi Cao Hiệu, Bàn Cung, Sơn Đụn, Nội Xưởng, Nền bà Chúa, Lò Văn… của đại bản doanh An Lạc, góp sức cho vua Lê Đại Hành và quân dân Đại Cồ Việt tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng ở thế kỷ thứ 10.
Trong lễ rước bộ truyền thống đền Cao có rước bài vị, kiệu, mũ, áo, bát hương… của các đức Thánh.
Được tổ chức từ ngày 22 - 24 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đền Cao là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Lễ hội bao gồm các nghi lễ truyền thống như lễ Vót tăm, lễ Khâu áo Thánh, Lễ mộc dục, lễ rước bộ; 13 tuần tế Thánh gồm tế Hội đồng, tế vật đập đất, tế nghinh, tế yết; Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của 5 đức Thánh họ Vương …
Đoàn rước bộ di chuyển từ đền Cả sang đình Hội Đồng (2 di tích cùng tọa lạc tại phường An Lạc).
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đậm bản sắc địa phương cũng được tổ chức như Hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, giải vật truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao…
Các bài vị, kiệu, mũ, áo, bát hương… của các đức Thánh được rước sang và ngự tại đình Hội Đồng.
Lễ khai hội truyền thống đền Cao, tưởng niệm ngày mất của 5 Đức Thánh họ Vương cũng là dịp để khẳng định đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo riêng có của Quần thể di tích quốc gia đền Cao (phường An Lạc, thành phố Chí Linh).
Hiện thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) có trên 400 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng. Trong đó, có 4 bảo vật quốc gia; một khu di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt; 8 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia; 21 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trên địa bàn thành phố có 4 khu, điểm du lịch cấp tỉnh gồm Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu du lịch Phượng Hoàng, Điểm du lịch Đền Sinh - Đền Hóa, , Khu du lịch Đền Cao.
Tin liên quan
Đoàn chuyên gia ICOMOS thẩm định thực địa hồ sơ di sản thế giới tại Hải Dương
Đối thoại về hồ sơ di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn
Hải Dương phát triển thêm sản phẩm OCOP từ nếp quýt Kim Thành
Hải Dương phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 6
Khám phá nơi những đàn cò bay rợp trời ở Hải Dương
Lưu truyền nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi ở Hải Dương
Phùng Nguyện