Đại biểu tham quan hội chợ.
Theo báo cáo của Ban tổ chức, hội chợ đã hội tụ được 6 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên; 4 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc gồm: Thái Nguyên, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình; 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum; các doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước.
Với trên 250 gian hàng; trong đó có hơn 80 gian hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 khu triển lãm sản phẩm nông nghiệp thành phố Hà Nội, các địa phương đều lựa chọn những sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, đặc sắc để trưng bày. Hội chợ sẽ kết thúc vào ngày 24/12.
Phát biểu khai mạc hội chợ, ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng năm 2024 là cơ hội để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng, từ những loại rau củ quả tươi ngon, đến các sản phẩm chế biến từ nông sản. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Hội chợ cũng là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
"Chúng tôi hy vọng, thông qua các hoạt động tại hội chợ, sẽ có nhiều cơ hội kết nối, phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng. Chúng tôi cũng kỳ vọng các bên liên quan sẽ tích cực tham gia, cùng chung tay đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng đến với người tiêu dùng cả nước và hướng tới xuất khẩu, hiện thực hóa các hoạt động này bằng những biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đưa các sản phẩm nông nghiệp vào các kênh phân phối, điểm bán sản phẩm nông sản đặc sản tại khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng và lan ra toàn quốc nói chung", Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn, đã từ lâu được biết đến như một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhằm đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả hội nhập và hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Tin, ảnh: Đỗ Huyền (TTXVN)