Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XV.
Sáng nay (5/5), Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp thứ 9 - Kỳ họp mang tính lịch sử với khối lượng công việc đồ sộ, sửa đổi Hiến pháp, quyết định sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và bấm nút trên 60 nội dung quan trọng khác.
Ngay trong phiên họp đầu tiên, sau khi nghe các báo cáo về kinh tế - xã hội, ý kiến cử tri như thông lệ, theo chương trình dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình tại hội trường, sau đó thảo luận ở tổ về đề nghị xem xét, quyết định việc sửa đổi và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ủy ban).
Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, xác định nội dung và ban hành kế hoạch, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Sau đó là tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.
Ngay cuối chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường và biểu quyết thông qua 2 nghị quyết của Quốc hội về các nội dung nói trên.
Tiếp đó, vào sáng 7/5, đại diện Ủy ban sẽ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Dự thảo), chiều cùng ngày Quốc hội thảo luận tại tổ.
Dự thảo sẽ được thảo luận 2 lần tại hội trường (/vào sáng 14/5 và sáng 16/6). Phiên thảo luận toàn thể lần thứ hai tiến hành sau khi đã lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo. Tại đây, đại diện Ủy ban sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường (lần thứ nhất) của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Dự kiến chiều 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Phạm vi sửa đổi Hiến pháp lần này cũng là nội dung được quan tâm tại cuộc họp báo trước thềm Kỳ họp vào chiều 4/5.
Tại đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tờ trình gửi đại biểu Quốc hội, nội dung sửa đổi cụ thể chưa đề cập, nhưng các vấn đề tập trung nghiên cứu đã được nêu. Cụ thể là các nội dung liên quan đến Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định tại Chương 9 liên quan chính quyền địa phương các cấp.
Với nội dung, phạm vi nghiên cứu sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Số điều của Hiến pháp có khả năng sửa khoảng 8 điều trên tổng số 120 điều.
Bà Thủy cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ được công bố lấy ý kiến toàn dân. Nội dung này dự kiến thực hiện rất sớm, theo kế hoạch là từ 6/5, tức là sau khi Ủy ban được thành lập sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến Nhân dân và lấy ý kiến trong khoảng 1 tháng.
Sau đó, Ủy ban sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu tại kỳ họp để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp chậm nhất là trước ngày 26/6 để làm cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương 2 cấp.
Việc lấy ý kiến nhân dân trong 1 tháng cũng có ý kiến cho rằng hơi gấp, nhưng theo bà Thủy, lần sửa đổi, bổ sung này phạm vi không nhiều, chỉ 8/120 điều Hiến pháp, nội dung cũng tương đối cụ thể, rõ ràng.
“Trong lấy ý kiến nhân dân lần này, Chính phủ đề xuất ngoài hình thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống đã thực hiện trong các lần sửa Hiến pháp trước đây, thì có thể áp dụng hình thức tham gia ý kiến, lấy ý kiến thông áp VNEiD. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực triển khai để lấy ý kiến nhân dân thông qua ứng dụng này. Đây cũng là điểm mới trong lấy ý kiến Nhân dân”, bà Thủy nhấn mạnh.
Phục vụ việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, ở kỳ họp này Quốc hội còn tiến hành sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và nhiều luật khác về tổ chức, bộ máy.
Trong công tác lập pháp, Quốc hội cũng sẽ tiến hành sửa cùng lúc nhiều luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Như, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Doanh nghiệp.
Theo thông tin từ cuộc họp báo, Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5/5 đến ngày 29/5, đợt 2 bắt đầu từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 30/6/2025.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác;. Đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Nguyễn Lê