Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội
Lễ khai mạc được tổ chức tối 13/11. Chương trình mở màn với các tiết mục nghệ thuật chào mừng đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của cộng đồng 3 dân tộc (Kinh - Khmer - Hoa) đang sinh sống tại vùng đất Sóc Trăng.
Đại biểu tham dự lễ khai mạc
Thông qua các hoạt động của Lễ hội, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng quý đại biểu và du khách gần xa. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc; tăng cường công tác quảng bá, liên kết hợp tác để phát triển về du lịch. Với tiềm năng và lợi thế hiện có, tỉnh Sóc Trăng rất mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về với Sóc Trăng để tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác và cùng phát triển.
Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings xác lập Kỷ lục Việt Nam trao quyết định và bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam về “trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam”
Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ, tỉnh Sóc Trăng luôn duy trì và phát triển các dàn nhạc ngũ âm. Trong lễ khai mạc, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố quyết định xác lập kỷ lục trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, quy tụ 20 dàn ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn. Với giá trị tiêu biểu, năm 2019, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và hoa tri ân các nhà tài trợ
Sóc Trăng là nơi thể hiện đặc trưng nhất những dấu ấn của quá trình các dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư, lao động, vượt qua khó khăn từ thuở ban đầu cho đến hôm nay. Những di sản hiện nay tại Sóc Trăng chính là vốn quý của quá trình “Giao thoa văn hóa”, trong đó “Đoàn kết” là di sản quan trọng nhất, đặc sắc nhất trong các di sản tại Sóc Trăng.
Sau phần lễ, các đại biểu thưởng thức phần chương trình nghệ thuật gồm 2 chương: chương I - “Hội tụ bản sắc” và chương II - “Sóc Trăng - Muôn sắc phương Nam”. Chương trình có sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật quần chúng, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng.
Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 là ngày hội để những đóa hoa mang bản sắc “đoàn kết” ấy được tỏa sáng. Người dân Sóc Trăng rộn rã trong ngày hội, tất cả cùng cất lên những âm thanh ngày mới đến từ cung bậc cảm xúc được hun đúc từ truyền thống để giới thiệu, đón chào, mời gọi du khách thập phương đến với vùng đất Sóc Trăng đậm dấu ấn bản sắc trong Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo năm 2024.
Chương trình văn nghệ đặc sắc tại lễ hội
Sau lễ khai mạc tối 13/11, ngày 14 và 15/11, giải đua ghe ngo nam và nữ sẽ được diễn ra tại dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. Giải đua năm nay có 60 đội ghe ngo (53 đội nam và 7 đội nữ) tham gia tranh tài; trong đó trong tỉnh có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), ngoài tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ). Các đội ghe nam tranh tài cự ly 1.200m. Các đội ghe nữ tranh tài cự ly 1.000m. Lễ khai mạc Giải đua ghe Ngo sẽ diễn ra vào trưa ngày 14/11, tại đoạn sông Maspero, thành phố Sóc Trăng.
T.H (theo báo Sóc Trăng)