Nghệ nhân nghề thêu làng Văn Lâm, xã Ninh Hải Đinh Thị Hòa trực tiếp truyền đạt kỹ thuật cho các xã viên.
Tham dự có lãnh đạo Sở Công thương, Sở Du lịch, UBND xã Gia Sinh.
Thêu ren là nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời ở Ninh Bình. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhiều nghệ nhân, thợ thêu trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm độc đáo từ tranh thêu, đồ trang trí, túi, ví, trang phục, hàng lưu niệm... được người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch yêu thích.
Tuy có những bước phát triển nhất định nhưng đến nay số lượng lao động trong nghề thêu ren đang có xu hướng giảm. Do vậy, để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề thêu, việc tổ chức các lớp truyền và dạy nghề là điều rất quan trọng.
Điều đặc biệt ở lớp dạy nghề lần này là để đáp ứng yêu cầu phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, các nghệ nhân sẽ tập trung vào hướng dẫn các học viên làm các sản phẩm thêu trên lá Bồ Đề chứ không phải chất liệu vải thông thường. Đây là sản phẩm mới đòi hỏi học viên phải có kỹ thuật cao, bởi thêu trên chất liệu lá mỏng, dễ bị gẫy vụn, khi làm phải có sự tập trung cao và sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp.
Trong thời gian 10 ngày, thông qua việc học tập, trao đổi kiến thức lý thuyết và trực tiếp thực hành với các nghệ nhân đến từ làng nghề thêu Văn Lâm (huyện Hoa Lư), học viên sẽ trau dồi được các kỹ năng, kỹ thuật mới trong làm thêu. Lá Bồ Đề, biểu tượng của đời sống tâm linh kết hợp với nghệ thuật thêu thủ công sẽ tạo nên những sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, thân thiện với môi trường, đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững của du khách hiện đại. Đây là sản phẩm mới, tiềm năng, giúp nghề thêu truyền thống có thêm cơ hội phát triển trong tương lai.
Nguyễn Lựu-Minh Đường