Khai mạc triển lãm Di tích Quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt tại Quảng Nam

Khai mạc triển lãm Di tích Quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt tại Quảng Nam
6 giờ trướcBài gốc
Cắt băng khai mạc triển lãm
Dự triển lãm có ông Trần Ngọc Tài - Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, lãnh đạo; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể TP Hội An, các Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, hơn 300 cựu tù yêu nước Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt; các gia đình chính sách, có công với cách mạng, cùng công chúng và du khách.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, hiện vật, tư liệu về Di tích Quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Qua đó, tôn vinh và tri ân những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
Đồng thời, phát huy những giá trị của di tích lịch sử cách mạng trong giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến xây dựng đất nước phồn thịnh.
Đại biểu tham quan không gian triển lãm
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhấn mạnh: Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Ngày nay, trên khắp mọi miền tổ quốc, nhiều di tích gắn liền với các sự kiện lịch sử tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt là các di tích nhà lao trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vốn khét tiếng một thời như: Nhà tù Sơn La, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Lao Bảo, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà tù Côn Đảo, Khám Chí Hòa, Nhà lao Hội An, Nhà lao Tân Hiệp…
Đà Lạt ngay từ khi mới hình thành đã được ví như một “Paris thu nhỏ”, với những tên gọi nên thơ, mỹ miều: Thành phố mộng mơ, thành phố tình yêu, thành phố hoa, thành phố sương mù…; nơi đây cũng từng tồn tại một nhà lao có một không hai, đó chính là Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt.
Nơi đây từng giam giữ tù nhân tuổi vị thành niên, là những người yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, trực tiếp cùng cha anh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ít người biết đến sự tồn tại của nhà lao này, bởi nó được che đậy bằng tên gọi chính thức lúc bấy giờ là Trung tâm Giáo huấn Thiếu nhi Đà Lạt. Thực tế lịch sử cho thấy, nơi đây không phải là trung tâm giáo huấn mà chính là một nhà lao giam giữ tù nhân thiếu nhi.
Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt tồn tại từ năm 1971 đến năm 1973, đã có hơn 600 chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi bị chuyển từ các nhà tù trên toàn miền Nam về giam giữ tại đây, đặc biệt trong số 600 chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi thì có hơn 80% ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
Cựu tù Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt phát biểu trong niềm xúc động
Tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi thể hiện qua những cuộc đấu tranh như: Mổ bụng chống chào cờ, chống đàn áp, diệt ác, phong trào vượt ngục, đánh trả cai ngục… Nhà lao bị xóa sổ vào tháng 6/1973.
Với những cống hiến xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tập thể cựu tù yêu nước Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia ngày 22/6/2009.
Trao quà từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội cho thân nhân cựu tù qua đời
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt, các nhà tù dưới chế độ thực dân, đế quốc trở thành những chứng tích bi thương mà rất đổi hào hùng trong một phần lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt trở thành một “địa chỉ đỏ trên Thành phố Hoa đầy ý nghĩa, được nhiều người nhắc nhau đừng quên khi đến Đà Lạt.
Đến với di tích, hiểu hơn về di tích để lan tỏa những thông điệp nhân văn từ di tích - Đó là tinh thần đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Để chiến tranh không bao giờ xảy ra, để trẻ em có được điều tốt đẹp nhất.
Bảo tàng Lâm Đồng tặng quà cho các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn
Đây là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoạt động này cũng mang lại ý nghĩa to lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn vinh và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của các thế hệ cách mạng tiền bối, đặc biệt là các tù nhân thiếu nhi yêu nước từng bị giam giữ tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Triển lãm diễn ra từ nay đến ngày 31/5/2025.
QUỲNH UYỂN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/khai-mac-trien-lam-di-tich-quoc-gia-nha-lao-thieu-nhi-da-lat-tai-quang-nam-f331529/