Hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), là dịp để củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Thanh Hà
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đại đoàn kết toàn dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là giá trị cốt lõi, cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là bài học quý báu có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, truyền thống lịch sử, văn hóa, động lực tinh thần to lớn, thôi thúc và hun đúc lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người dân, trong mỗi cộng đồng người Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt là việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái - một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - với hơn 400 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát then, đàn tính; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, trình diễn nghề dệt, nghề chế tác đàn tính, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc của các địa phương.
Thông qua các hoạt động ý nghĩa này, các nghệ nhân, diễn viên và công chúng được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thiết thực quảng bá, giới thiệu những giá trị cao đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Thanh Hà
Phát biểu chỉ đạo ngày hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt và chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc ban hành thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa bảo tồn và phát huy.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh thêm, trong giai đoạn phát triển mới, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) đã xác định: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển, lấy giá trị văn hóa con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương trình. Ảnh: Hoàng Bằng
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII - năm 2024 là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp giá trị của văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ đồng bào các dân tộc trong cả nước, thiết thực chào mừng ngày di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân văn, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái và tình yêu quê hương đất nước của dân tộc Việt Nam.
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Ảnh: Hoàng Bằng
Với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết gắn bó và bề dày lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tiếp tục được xây dựng gìn giữ và phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không ngừng được củng cố ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng và phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc mở màn cho chuỗi những hoạt động văn hóa sôi nổi, đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Bằng
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Việt Nam kỷ nguyên vươn mình" có 4 chương: Lời cây đàn Tính; Di sản hội tụ; Chung một niềm tin và Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nhằm tôn vinh những nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tiêu biểu, đặc sắc về đồng bào của 54 dân tộc Việt Nam.
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương trình. Ảnh: Hoàng Bằng
Với chuỗi hoạt động phong phú, đa sắc màu không gian văn hóa, nghệ thuật, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII sẽ mang lại những trải nghiệm quý báu đối với nhân dân và du khách, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu văn hóa dân tộc và tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, để những giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam luôn tiếp nối, trao truyền cho thế hệ mai sau.
Những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta sẽ là điểm tựa vững chắc để Việt Nam vững tin bước vào “ Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 diễn ra từ ngày 16/11 đến 24/11. Sự kiện với sự tham gia của hơn 200 đồng bào của 17 dân tộc (gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer, Chơ Ro) đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Mộc Miên - Hoàng Bằng