Khai mở tiềm năng y học cổ truyền

Khai mở tiềm năng y học cổ truyền
17 giờ trướcBài gốc
Mảng y học cổ truyền thu hút nhiều người dân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Chân Mây
Nhu cầu tăng, “cháy” giường bệnh
Bệnh viện YHCT Huế không chỉ là một cơ sở khám, chữa bệnh mà còn là đầu tàu, trung tâm chiến lược trong công cuộc phát triển YHCT của thành phố. Mỗi năm, BV điều trị cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận. Bà Nguyễn T.M.C. 68 tuổi, làm nghề buôn bán ở phường An Cựu. Ba tháng trước đây, bà bị thần kinh tọa, đi lại khó khăn. Từng điều trị ở bệnh viện lớn, uống thuốc nhiều lần không thuyên giảm, bà quyết định điều trị theo phương pháp YHCT. Bà C. kể: “Cơn đau dồn dập đến nỗi không ngồi được, tui nghĩ chắc là nằm liệt giường từ đây. Nay vào châm cứu, bó thuốc vài ngày, túc tắc đi lại được, mừng lắm!”.
Không chỉ với bà C., Khoa Nội Nhi BV từng tiếp nhận nhiều trường hợp; trong đó, phần lớn mắc bệnh về cơ xương khớp, bệnh mạn tính, di chứng tai biến. Số bệnh nhân (BN) thời điểm chúng tôi đến xấp xỉ 90 người trong khi số giường tại khoa theo kế hoạch chỉ 57, nghĩa là 33 người bệnh phải nằm giường đôi. Do đó, khoa cải tạo một số phòng để bố trí thêm giường phục vụ bệnh nhân.
Theo BSCKII. Lê Minh Chung, Phó Giám đốc BV YHCT, thời gian gần đây, nhiều người bị bệnh thần kinh tọa sau thoát vị đĩa đệm đã tìm đến YHCT sau khi điều trị Tây y không hiệu quả. Sau khi được châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, dùng YHCT kết hợp phục hồi chức năng, bệnh tình họ thuyên giảm rõ rệt. Cá biệt có trường hợp liệt nửa người, đại tiểu tiện không tự chủ, từ BV khác chuyển đến sau điều trị giờ đã tỉnh táo, đi lại, sinh hoạt nhẹ nhàng.
Năm 2024, BV tiếp nhận điều trị gần 2.400 người bệnh, vượt 116,3% so với kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh đạt 107,4%. Theo phân loại, gần 2.200 BN mắc các bệnh khác của cột sống; khoảng 500 người bị thoái hóa khớp, liệt não, hội chứng liệt khác…, ngoài ra còn có tổn thương thần kinh, rễ và đám rối thần kinh. Những con số này phần nào nói lên vai trò của YHCT trong việc giải quyết các bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là đối tượng trung niên và cao niên. Bên cạnh đó, phạm vi ứng dụng YHCT còn mở rộng sang các bệnh lý thần kinh, trị liệu sau tai biến, chấn thương, thể hiện sự đa dạng và tiềm năng của YHCT trong điều trị các bệnh mạn tính và phục hồi chức năng.
Đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của người bệnh, ThS. BS Trần Đức Sáo, Giám đốc BV YHCT cho biết: “Trước mắt, đơn vị lên kế hoạch trình xin tăng số lượng giường bệnh, đăng ký tuyển thêm bác sĩ đa khoa và y sĩ YHCT; xây dựng đề án đầu tư 3 phòng phục vụ điều trị theo yêu cầu”.
Mở rộng mạng lưới, nâng tầm hoạt động
Mạng lưới YHCT thành phố bao gồm BV YHCT thành phố, 9 khoa YHCT tại 9 Trung tâm y tế (TTYT) và bộ phận YHCT tại 40 các xã/phường. Bên cạnh đó còn có hoạt động của các khoa YHCT tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hoạt động của Hội Đông y, Hội Châm cứu và 117 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) YHCT tư nhân.
Nổi bật trong mạng lưới, TTYT Phú Vang được đánh giá phát triển tốt YHCT. Với 30 giường bệnh kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt từ 80 đến 110% mỗi năm. Khoa YHCT còn triển khai đa dạng các dịch vụ kỹ thuật như: xoa bóp, bấm huyệt, thủy châm, điện mảng châm, ngải, cứu… được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề cao, thu hút nhiều bệnh nhân trong vùng và các phường, xã ở xa. Trong khi đó, TTYT Phú Lộc, TTYT Thuận Hóa, TTYT Hương Thủy, YHCT luôn thu hút lượng bệnh nhân đáng kể, có đơn vị phải xây thêm khối nhà mới, mở rộng khu vực điều trị hoặc triển khai tiếp đón từ sáng sớm nhằm giảm tải cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Tại các trạm y tế, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, YHCT trở thành nhu cầu bức thiết nhờ các lợi thế về khoảng cách địa lý, chi phí thấp, giải quyết bệnh lý phổ biến, an toàn và ít tác dụng phụ, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, phù hợp với văn hóa tín ngưỡng… Tuy nhiên, không phải trạm nào cũng triển khai thuận lợi do thiếu trang thiết bị và đấu thầu thuốc gặp khó khăn. Bác sĩ YHCT được đào tạo bài bản rất ít, đa số là y sĩ YHCT. Điều này cũng được BS. Trần Đức Sáo nhìn nhận trong quá trình kiểm tra thực tế với vai trò chỉ đạo tuyến hàng năm.
Trong định hướng phát triển tiềm năng cũng như khẳng định thế mạnh của YHCT, PGS.TS.BS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thông tin: “Ngành hướng đến phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”.
Với mục tiêu đề ra, Sở Y tế đang triển khai những định hướng mũi nhọn và toàn diện. Nổi bật là tiếp tục thực hiện Kế hoạch 23/KH-UBND của tỉnh (nay là thành phố) ngày 22/1/2021, nhằm tăng cường năng lực YHCT từ tuyến xã/phường đến thành phố. Đến năm 2030, các trạm y tế xã/phường sẽ triển khai bốc thuốc, hướng dẫn dùng thuốc nam, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các phương pháp chữa bệnh truyền thống. Tỷ lệ khám, chữa bệnh YHCT cũng được kỳ vọng tăng đáng kể, đạt 25-30% ở tuyến thành phố và 40% ở tuyến xã/phường vào năm 2025, hướng tới 30-35% và 50% tương ứng vào năm 2030.
Bên cạnh đó, ngành còn chú trọng phát triển nuôi trồng dược liệu quy mô công nghiệp, khuyến khích nghiên cứu khoa học, kế thừa các bài thuốc quý của các danh y, ngự y Triều Nguyễn. Đồng thời, kiến nghị tăng ngân sách đầu tư và đẩy mạnh vai trò của khối ngoài công lập, hướng tới một nền YHCT phát triển bền vững và hiện đại.
Bài, ảnh: L. GIANG
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/khai-mo-tiem-nang-y-hoc-co-truyen-155496.html