Cơ hội mới với xe điện Việt Nam
Các cơ quan quản lý đang gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào cuối năm 2025, theo thông tin từ đại điện Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT).
Cụ thể, với thị trường trong nước, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phê duyệt dự thảo Nghị định về sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Sàn này vận hành tương tự sàn chứng khoán, với hai loại hàng hóa là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Với thị trường quốc tế, Bộ NN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bản dự thảo này dự kiến được Bộ trình Chính phủ trong năm nay.
TPHCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua loạt chính sách xanh hóa giao thông trên địa bàn. Ảnh: Đạt Thành
Việc tín chỉ carbon dần trở thành một loại tiền tệ mở ra cơ hội cho các lĩnh vực như nhiệt điện, thép, xi măng, xe điện và thực phẩm tham gia mua – bán tín chỉ carbon, qua đó dễ dàng chuyển phần vốn đầu tư vào công nghệ giảm phát thải thành nguồn thu.
Nắm bắt cơ hội này, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, cho biết đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy bán chứng chỉ carbon ở Việt Nam và các quốc gia khác. “Nếu bán được tín chỉ carbon ở Việt Nam và các thị trường khác trên thế giới sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho VinFast trong tương lai”, ông Vượng nói với các cổ đông.
Trước đó, trong khuôn khổ dự án “Phát triển tín chỉ carbon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải”, UNDP đã hợp tác với một đơn vị sản xuất xe máy điện là Selex Motor, để triển khai thí điểm dự án tín chỉ carbon cho xe máy điện tại Việt Nam và hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard).
Các bước phát triển một dự án tín chỉ này gồm: thiết kế, thẩm định, đăng ký, giám sát, thẩm tra, và ban hành tín chỉ. Việc bán tín chỉ sẽ kéo dài trong 5 năm, với tổng lượng giảm phát thải dự kiến hơn 197.000 tấn CO2.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng thị trường carbon, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ NN&MT), đánh giá các doanh nghiệp sản xuất xe điện tại Việt Nam có cơ sở tốt để tham gia thị trường carbon trong tương lai.
Theo đó, trên thế giới, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tương tự như Tesla đã ghi nhận khoản thu gần 3 tỉ đô la Mỹ từ bán tín chỉ carbon vào năm 2024, cao hơn 1,5 lần năm 2023.
"Tesla là một ví dụ tiêu biểu mà những doanh nghiệp sản xuất xe điện ở Việt Nam quan tâm" ông Công nói và cho rằng đây là nguồn thu lớn để các hãng bù đắp chi phí sản xuất xe điện ban đầu.
Thực tế, tại Việt Nam, giao thông là một trong sáu lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính theo danh mục ban hành năm 2024, với lượng phát thải lên tới 32,9 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e) mỗi năm.
Bối cảnh trên tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện khi TPHCM nghiên cứu khả năng tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông, ưu tiên chuyển đổi xe buýt, xe của lực lượng giao hàng (shipper) sang điện. Theo đó, chành phố dự tính có thể chuyển đổi 80% tài xế xe máy công nghệ sang xe điện đến năm 2027, nếu có cơ chế hỗ trợ về tài chính, miễn lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng.
Khác với TPHCM, Hà Nội chọn thúc đẩy chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, với trọng tâm chuyển đổi xanh là phương tiện giao thông cá nhân của người dân. Theo đó, chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ chuyển đổi qua hình thức trực tiếp bằng tiền, hoặc gián tiếp thông qua chính sách phí, lệ phí. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tính toán phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện xanh.
Biến cơ hội đầu tư thành hiện thực
Xác định thị trường tín chỉ xe điện không chỉ là cơ hội đầu tư, mà còn là giải pháp quan trọng giúp Việt Nam giảm thiểu ô nhiễm không khí, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách NN&MT, mong muốn chính quyền Hà Nội và TPHCM xây dựng cơ chế tín chỉ xe điện và tín chỉ xe không phát thải với nhà sản xuất, thay vì áp dụng trực tiếp lên người dân.
Một sản phẩm xe máy điện mang thương hiệu Vinfast. Ảnh: DNCC
Dẫn chứng, vị này cho biết tiểu bang California (Mỹ) đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô đạt tỷ lệ xe không phát thải (ZEV) trong đội xe của mình, đồng thời cho phép các đơn vị này bán tín chỉ ZEV cho các đơn vị khác để bù đắp tỷ lệ phát thải của mình. Các tín chỉ này có giá khoảng 2.000-6.000 đô la, giúp các đơn vị giảm chi phí tuân thủ quy định và tạo doanh thu bổ sung.
Do đó, Việc áp dụng mô hình này ở Việt Nam sẽ giúp các hãng xe điện như VinFast có thể tận dụng việc bán xe điện để tạo ra tín chỉ ZEV, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện trong nước.
Như vậy, song hành với việc mở rộng hạ tầng xe điện và các chính sách hỗ trợ của chính quyền, tín chỉ xe điện sẽ thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ xe điện tại Việt Nam và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon toàn cầu.
“Người dân, thông qua cơ chế thị trường, sẽ dần chuyển đổi sang xe điện và loại trừ xe xăng. Ngược lại, nếu cấm hoàn toàn, trong khi chưa có phương tiện công cộng thay thế hợp lý, sẽ là áp lực lớn đối với sinh kế của người nghèo”, ông Thọ nói tại diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025.
Còn ông Nguyễn Thành Công khuyến nghị các doanh nghiệp nên làm chuẩn bị các số liệu, kỹ năng liên quan đến kiểm kê khí nhà kính. Bởi theo quy định Nghị định 06/2022 và 119/2025, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở đầu tiên, để thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở tham gia thị trường carbon, cũng như thực hiện nghĩa vụ tuân thủ hạn ngạch phát thải trong tương lai.
“Bộ NN&MT đang trong xây dựng một hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính online, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp khai báo thông tin, giúp giảm chi phí liên quan đến tính toán, thu thập số liệu. Trong tương lai, có thể sẽ xây dựng một hệ thống về báo cáo kiểm kê, qua đó hỗ trợ việc vận hành thị trường carbon trong nước, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các chế tài về tài chính carbon, ví dụ như CBAM của châu Âu hay thuế carbon trong tương lai của Mỹ hay Úc”, ông Công nói.
Vân Phong