Khai quật mộ cổ, lóa mắt trước 'kho báu' đầy vàng

Khai quật mộ cổ, lóa mắt trước 'kho báu' đầy vàng
3 ngày trướcBài gốc
Các nhà khảo cổ Ai Cập đã phát hiện 63 mộ cổ Tel-El-Dir - khu tổ hợp chôn cất ở thành phố Damietta - chứa đầy tượng nhỏ, đồ gốm, tiền xu và một chiếc gương.
Nhóm nghiên cứu tin rằng cổ vật có thể tiết lộ những bí mật của người Ai Cập cổ đại từ thời kỳ đồ đồng, đặc biệt là về những nỗ lực giao thương với nước ngoài ở thành phố Damietta.
Có 38 đồng xu được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ này có niên đại từ thời Ptolemaic (304 đến 30 trước Công nguyên), khi một trong những hậu duệ của vị tướng của Alexander Đại đế cai trị Ai Cập. Đồng tiền cổ có hình ảnh của các vị thần Hy Lạp và Ai Cập cổ đại.
Các nhà khảo cổ tin rằng, cổ vật cùng mộ cổ có niên đại từ thời kỳ Hậu nguyên (từ năm 664 trước Công nguyên cho đến năm 332 trước Công nguyên). Khi đó, Damietta là trung tâm ngoại thương, có hoạt động giao thương với các thành phố ở Địa Trung Hải.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một chiếc bình gốm chứa những đồng tiền bằng đồng.
Đồ gốm có thể là vật phẩm mà Damietta giao thương với các thành phố khác nhưng chính những đồng tiền bằng đồng được tìm thấy trong một chiếc bình gốm mới đặc biệt thu hút sự chú ý của các chuyên gia khảo cổ.
Thomas Faucher, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Alexandria ở Ai Cập, người không tham gia vào nghiên cứu này, chia sẻ với Live Science, từ những hình ảnh được công bố, có vẻ như nhiều đồng xu được khắc hình đầu của Zeus Ammon. Vị thần này là sự kết hợp giữa thần Zeus của Hy Lạp và thần Ammon của Ai Cập (còn được viết là Amun), người gắn liền với các nhà tiên tri và lời tiên tri. Có ít nhất một đồng xu trong số các hình ảnh có vẻ như được khắc hình một con đại bàng với một chiếc sừng được mô tả ở bên trái của con đại bàng. Dựa trên những chi tiết này, Faucher đã xác định được niên đại của những đồng xu là vào cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên
Theo đó, những đồng tiền này được phát hành năm 206 trước Công nguyên, khi cuộc nổi loạn quy mô lớn do hai người Ai Cập bản địa, pharaoh Horwennefer và Ankhwennefer lãnh đạo để lật đổ sự cai trị của Hy Lạp.
Sau cuộc nổi dậy, đã có một cuộc thu hồi hàng loạt tiền xu và những đồng tiền này được đánh dấu bổ sung. Tuy nhiên, có 38 đồng tiền bằng đồng mà các nhà khảo cổ tìm thấy đã bị những người không muốn tuân theo các nhà cai trị mới cất giấu.
Ông Thomas Faucher nói với Live Science rằng, khám phá mới này có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về các sự kiện đã diễn ra và giải thích chi tiết hơn lý do người Ai Cập cổ đại lại giấu những món đồ này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu những đồng tiền này có được chôn trong cuộc nổi loạn hay không. Nhiều chi tiết khác từ các cuộc khai quật có thể làm sáng tỏ điều này.
Mộ cổ được xây dựng bằng gạch bùn phía trên các buồng chứa đồ tang lễ nhưng có một ngôi mộ lớn chứa nhiều hài cốt được cho là những người thuộc tầng lớp xã hội cao hơn.
Những cổ vật bằng vàng được phát hiện trong mộ cổ Ai Cập ở Damietta.
Mộ cổ này cũng chứa kho cổ vật bằng vàng, như các bức tượng tôn giáo, thần tượng Ai Cập cổ đại, bao gồm cả Mắt của Horus - vị thần đầu chim ưng được đeo như một lá bùa hộ mệnh.
Các nhà khảo cổ cũng phát hiện giàn hỏa táng cùng những bức tượng nhỏ phủ vàng gây chú ý vì mô tả "ba-birds"- những sinh vật trong thần thoại Ai Cập được mô tả là có cánh, có đầu người, tay người và đảm nhận việc canh gác những người đã khuất ở thế giới bên kia.
Theo Trung tâm Ai Cập của Đại học Swansea, chữ "ba" ở Ai Cập cổ đại đại diện cho một phần linh hồn con người và đôi khi được miêu tả là một con chim có thể thu thập thức ăn để nuôi người đã khuất.
Các nhà khảo cổ Ai Cập không tiết lộ tình hình của mộ cổ hoặc xác ướp được tìm thấy trong mộ cổ tại Damietta nhưng các cổ vật được phát hiện ở đây "nêu bật ý nghĩa lịch sử của phát hiện này, có thể là khởi đầu cho việc xác định lại niên đại của một giai đoạn quan trọng với với thành phố Damietta".
Minh Hoa (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/khai-quat-mo-co-loa-mat-truoc-kho-bau-day-vang-204250101000715336.htm