Khai thác cát nhiễm mặn đầm Thị Nại để giải bài toán thiếu vật liệu ở Bình Định

Khai thác cát nhiễm mặn đầm Thị Nại để giải bài toán thiếu vật liệu ở Bình Định
10 giờ trướcBài gốc
Ngày 9/5, ông Nguyễn Hữu Hà, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cho biết: Đề tài "Khảo sát, đánh giá chất lượng và khả năng khai thác cát nhiễm mặn tại khu vực đầm Thị Nại để phục vụ công tác san nền" đã chính thức được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương triển khai. Đề tài sẽ do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện theo đặt hàng từ Sở Xây dựng.
Cát nhiễm mặn đầm Thị Nại sẽ giải quyết bài toán thiếu vật liệu cho tỉnh Bình Định.
Trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cát phục vụ san lấp cho các công trình xây dựng, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất chủ trương triển khai nghiên cứu, khảo sát trữ lượng cát nhiễm mặn tại khu vực đầm Thị Nại. Đây được xem là hướng đi chiến lược nhằm chuẩn bị nguồn vật liệu đầu vào cho các dự án lớn, trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ khởi công vào năm 2025.
Theo tính toán của Sở Xây dựng, tổng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh dự báo cần gần 11,73 triệu m³ (trong đó, dự báo nhu cầu sử dụng cát san nền dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khởi công năm 2025 cần hơn 1,56 triệu m³ cát san nền. Tuy nhiên, thống kê hiện tại cho thấy trữ lượng cát có thể khai thác trong hai năm 2024 - 2025 chỉ đạt khoảng 1,04 triệu m³, một con số quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Chính vì vậy, bài toán đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp đang trở nên cấp bách. Việc khai thác cát nhiễm mặn, một nguồn tài nguyên sẵn có nhưng ít được chú ý đang mở ra cơ hội thay thế tiềm năng. Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng cát đạt yêu cầu, tỉnh sẽ có thêm một hướng đi hiệu quả và bền vững trong việc cung ứng vật liệu cho các công trình trọng điểm.
Đề tài "Khảo sát, đánh giá chất lượng và khả năng khai thác cát nhiễm mặn tại khu vực đầm Thị Nại để phục vụ công tác san nền" được thông qua góp phần đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp tại các dự án trọng điểm
Dự kiến đề tài sẽ được bắt đầu từ tháng 6/2025, với các hoạt động khảo sát thực địa, phân tích mẫu và xây dựng phương án khai thác phù hợp với điều kiện thực tế. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp tháo gỡ tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng mà còn đóng góp vào chiến lược sử dụng hợp lý tài nguyên địa phương, đảm bảo tiến độ cho các dự án giao thông quan trọng trong giai đoạn tới.
Thu Loan
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/khai-thac-cat-nhiem-man-dam-thi-nai-de-giai-bai-toan-thieu-vat-lieu-o-binh-dinh-192250509114958874.htm