Giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện, thành phố lập hồ sơ trình xếp hạng từ 1-2 di tích. Đồng thời, tiến hành kiểm kê, lập danh mục những di tích mới phát hiện trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức đo đạc, khoanh vùng 58/65 di tích. Hiện nay, toàn tỉnh có 96 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó, 65 di tích đã được xếp hạng, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử, văn hóa phân bố ở các huyện và hầu hết đều gắn với một sự kiện lịch sử; một số di tích phân bố trên phạm vi liên tỉnh, liên quốc gia.
Từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, đã có 38/65 di tích trên địa bàn tỉnh được tu bổ, tôn tạo các hạng mục chính, có dấu hiệu xuống cấp, góp phần gìn giữ các yếu tố gốc của di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Trong đó, giai đoạn 2018-2024, tỉnh đã triển khai tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Văn bia Quế Lâm ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, thành phố Sơn La, với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Sông Mã; Tháp Mường Và, huyện Sốp Cộp; Tháp Mường Bám, huyện Thuận Châu; Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn; Đền Hang Miếng, huyện Vân Hồ... cũng được đầu tư tôn tạo.
Cách đây gần 70 năm, cánh rừng nguyên sinh tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, nơi dừng chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 2008, UBND tỉnh đã công nhận khu rừng bản Nhọt là di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2020, tỉnh giao huyện Phù Yên triển khai, thực hiện dự án bảo vệ rừng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt.
Bà Ninh Thị Tâm Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, huyện Phù Yên, cho biết: Nhà tưởng niệm Đại tướng được xây dựng và đưa vào hoạt động tạo thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Phù Yên đã thành lập Ban quản lý di tích, phân công cán bộ, nhân viên trực đón khách, nhất là dịp cao điểm lễ, tết; chú trọng việc chỉnh trang di tích, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, để thu hút du khách đến với các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động xây dựng, kết nối tour tuyến du lịch về nguồn, kết hợp tham quan di tích lịch sử với trải nghiệm tín ngưỡng và văn hóa địa phương. Tổ chức các tour du lịch tâm linh vào các dịp lễ hội lớn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại các di tích để phát triển “du lịch thông minh”, nhằm đánh thức và khai thác tiềm năng di sản văn hóa phục vụ đa dạng các hoạt động tham quan, trải nghiệm di tích. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên di tích. Tăng cường nhân lực quản lý, bảo vệ, phục vụ, bảo đảm vận hành hoạt động tại điểm di tích hướng tới mục tiêu đưa Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn của vùng.
Tại huyện Mộc Châu có 14 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng; trong đó, có 3 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Thời gian qua, huyện đã trùng tu, tôn tạo, sửa chữa 7 di tích, với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Huyện ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai “Số hóa di tích lịch sử” tại 5 di tích. Hệ thống di tích được các công ty du lịch đưa vào lịch trình tour, tuyến du lịch. Từ năm 2022 đến nay, các di tích trên địa bàn huyện, nhất là 3 di tích cấp quốc gia đã thu hút trên 150.000 lượt khách.
Với nhu cầu ngày càng tăng về du lịch của du khách về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh; các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Tiếp tục rà soát, khảo sát thực tế tại một số di tích có đủ tiêu chuẩn để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, tạo tiền đề thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối tour, tuyến du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch, gắn với các di tích, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Lò Thái