Khai thác hiệu quả giá trị các thiết chế văn hóa, thể thao

Khai thác hiệu quả giá trị các thiết chế văn hóa, thể thao
7 giờ trướcBài gốc
Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao bảo tồn, tôn tạo và khai thác hiệu quả giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống. Qua đó, tạo dấu ấn riêng và thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài địa phương đối với vùng Đất Sen hồng.
Du khách nước ngoài tham quan trải nghiệm tại Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự)
Thời gian qua, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, là nơi tổ chức hoạt động cộng đồng tạo điều kiện cho người dân có môi trường sinh hoạt lành mạnh, nâng cao thể chất, sức khỏe, vui chơi, giải trí. Toàn tỉnh có 1 Thư viện cấp tỉnh, 9 Thư viện cấp huyện, 1 Thư viện cộng đồng cấp xã, 1 Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, 10 Không gian đọc sách cộng đồng, 12 Tủ sách gia đình, 327 Tủ sách khuyến học. Đặc biệt, Đường sách TP Cao Lãnh đã đi vào hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là Đường sách đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là Đường sách thứ 5 trong cả nước.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 112/115 xã có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng đạt chuẩn; 1/115 xã sử dụng chung Hội trường Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện; 486/589 khóm, ấp có Nhà văn hóa đạt chuẩn, 20 Nhà văn hóa liên ấp. Các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì với 8 nhà thi đấu, 36 sân bóng đá 11 người, 152 sân bóng đá 5 người bằng cỏ nhân tạo, 459 sân bóng chuyền, 69 hồ bơi cố định vừa và nhỏ. Cùng với đó, nhiều sân cầu lông, đá cầu, điểm tập thể dục thể thao ở các khu công viên, trường học do Nhà nước và tư nhân đầu tư quản lý khai thác theo chủ trương xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao của người dân.
Anh Nguyễn Thanh Hải ngụ thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, cho biết: “Trên địa bàn thị trấn Sa Rài có sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông được Nhà nước và tư nhân đầu tư để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân sau những giờ lao động. Bản thân tôi tranh thủ làm xong công việc, để chiều về nhà sớm, cùng anh em tham gia chơi đá banh. Qua thời gian tham gia, tôi nhận thấy càng nhiều người dân trên địa bàn thị trấn Sa Rài tham gia tập thể dục thể thao với nhiều bộ môn phù hợp như: đi bộ, chạy bộ, đá banh, bóng chuyền, cầu lông...”.
Đồng chí Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Hồng Ngự, cho biết: “Huyện Hồng Ngự luôn quan tâm công tác nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở, cũng như phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại các xã, thị trấn. Để đánh giá đúng thực chất việc khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa, huyện Hồng Ngự thành lập Đoàn đến kiểm tra trực tiếp, đánh giá thực trạng tại 10 xã, thị trấn. Kết quả kiểm tra cho thấy, các thiết chế văn hóa cơ sở phát huy được công năng sử dụng, là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ các buổi sinh hoạt, hội họp, các hoạt động chính trị, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần của người dân địa phương”.
Song song với việc phát triển các thiết chế văn hóa, tỉnh quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa; thực hiện kiểm kê di tích, bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các làng nghề được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 40 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống như: đan bội, đan thúng, rổ, đóng xuồng, ghe, dệt chiếu, dệt choàng, trồng hoa kiểng, làm bột, làm nem...
Các sản phẩm của làng nghề truyền thống khá đa dạng, tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chính: chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản; dệt may, sợi, thêu ren, đan lát; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh... Các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, làng nghề truyền thống có khoảng 8.700 lao động. Tổng doanh thu của làng nghề, làng nghề truyền thống khoảng 2.050 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân của lao động trong làng nghề khoảng 4,9 triệu đồng/người/tháng. Đây được xem là nguồn tài nguyên văn hóa bản địa độc đáo có sức thu hút mạnh mẽ với du khách, nhất là phát huy giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch địa phương.
DŨNG CHINH
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/van-hoa/khai-thac-hieu-qua-gia-tri-cac-thiet-che-van-hoa-the-thao-130741.aspx