Khai thác hiệu quả tài sản công tạo nguồn lực phục vụ tăng trưởng

Khai thác hiệu quả tài sản công tạo nguồn lực phục vụ tăng trưởng
8 giờ trướcBài gốc
Việc xử lý tài sản công dôi dư đang chuyển từ “nói” sang “làm” thực chất hơn bao giờ hết. Ảnh trong bài minh họa
Kết quả chưa như kỳ vọng
Có thể thấy, những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có bước tiến mạnh mẽ trong quản lý, khai thác và sử dụng tài sản công. Từ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, đẩy mạnh số hóa thông tin, đến việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết về sử dụng tài sản công… đã góp phần tăng tính minh bạch và kỷ cương trong quản lý nhà nước. Hàng nghìn cơ sở nhà, đất sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả đã được rà soát, sắp xếp lại. Một phần trong số này đã được đưa vào sử dụng đúng mục đích hoặc bán đấu giá, chuyển đổi để phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là kết quả đạt đươc chưa tương xứng với kỳ vọng. Việc sử dụng lãng phí tài sản công theo kiểu “cha chung không ai khóc” vẫn tồn tại. Nhiều trụ sở công, cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập chưa có phương án xử lý đã bị bỏ hoang, thậm chí có trụ sở cơ quan để không nhiều năm, không có người trông coi, xuống cấp vừa làm mất mỹ quan, vừa lãng phí tài sản. Trong khi đó, nhiều cơ quan, đơn vị không đủ diện tích, chật chội, hoặc phải đi thuê trụ sở… vẫn diễn ra ở không ít nơi.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, tình trạng lãng phí tài sản công làm thất thoát một nguồn lực lớn của nền kinh tế, nếu số tài sản dôi dư này được xử lý sớm và triệt để sẽ thu về cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng, đồng thời giải phóng nguồn lực để đầu tư vào các hạng mục phát triển thiết yếu khác.
Tổng kiểm kê không chỉ “đếm cho đủ” mà còn “tính để phát triển”
Để tài sản công không bị lãng phí thêm lần nữa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát và xử lý tài sản công dôi dư. Những chỉ đạo này không chỉ nhằm khắc phục tình trạng “bỏ quên” tài sản mà còn hướng tới việc khai thác tối đa giá trị của tài sản, chuyển đổi mục đích sử dụng hợp lý, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 213/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý và ấn định thời gian thực hiện trên toàn quốc vào 0h ngày 1/1/2025. Việc kiểm kê không chỉ nhằm mục tiêu “đếm cho đủ” số lượng mà còn làm rõ tình trạng quản lý, hiệu quả sử dụng và khả năng tái khai thác của tài sản để “tính cho phát triển”.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, đây là lần tổng kiểm kê quy mô toàn quốc đầu tiên được thực hiện trên cơ sở pháp lý đầy đủ, có ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu. Vì thế, các số liệu, thông tin, kết quả kiểm kê còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và là nền tảng để ra các quyết định về quản lý đối với tài sản công. “Đặc biệt, các dữ liệu này còn là tiền đề cho việc xử lý tài sản công dôi dư và thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay” - ông Thịnh chia sẻ.
Song song với việc tổng kiểm kê tài sản công, Bộ Tài chính cũng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các tài sản công, đặc biệt là các trụ sở, cơ sở, nhà, đất dôi dư sau sáp nhập và đề xuất phương án xử lý với mục tiêu là tận dụng tối đa, không để lãng phí.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, tài sản công là nguồn lực tiềm ẩn rất lớn nhưng đang bị sử dụng dàn trải, kém hiệu quả. Cuộc tổng kiểm kê và xử lý tài sản dôi dư là bước đi đúng và trúng. Nhưng để thành công, theo ông, phải có quyết tâm chính trị và chế tài đủ mạnh.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cũng xác định, việc kiểm kê và xử lý tài sản dôi dư không chỉ là nhiệm vụ quản lý tài sản mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. “Nếu làm tốt, tài sản công sẽ trở thành một nguồn lực lớn để phục vụ phát triển, thay vì tiếp tục trở thành gánh nặng cho xã hội vì phải mất một lượng nhân lực để trông coi”- ông Thịnh nhấn mạnh. Việc kiểm kê, xử lý tài sản công dôi dư lần này là “cuộc cách mạng rà soát” thực chất, không hình thức, không né tránh. “Bộ Tài chính đã và đang thể hiện rõ vai trò đầu mối tham mưu chính sách, nhưng để thành công, cần sự đồng hành mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, cả về trách nhiệm chính trị lẫn hành động cụ thể”- ông Thịnh cho hay.
Trước việc cấp thiết xử lý các tài sản công phục vụ cho mô hình chính quyền 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7 tới đây, với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.
Bộ Tài chính đã định hướng xây dựng phương án sắp xếp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn...
Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt trong giai đoạn cả nước thực hiện tổng kiểm kê tài sản công, việc xử lý tài sản công dôi dư đang chuyển từ “nói” sang “làm” thực chất hơn bao giờ hết. Đây là minh chứng cho quyết tâm làm mới cách quản lý tài sản công, đưa tài sản công dôi dư trở thành nguồn lực phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Giao trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, xử lý tài sản
Tại công văn hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, Bộ Tài chính giao UBND cấp huyện xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình (gồm cả huyện và xã) để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định.
Hạnh Thảo
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khai-thac-hieu-qua-tai-san-cong-tao-nguon-luc-phuc-vu-tang-truong-175570.html